Xứ cát chiếm vị trí đặc biệt trong lòng giới tinh hoa Thung lũng Silicon, truyền cảm hứng cho công nghệ và thế giới viễn tưởng.
Trên tầng cao nhất một tòa nhà tọa lạc ở trung tâm thành phố San Francisco, các nhân viên công nghệ từ hàng loạt tập đoàn lớn như Google, Slack, X, Mozilla… tụ họp ngay trước poster phim mới của Timothée Chalamet và Zendaya.
Nhân tài giới công nghệ họp nhau cùng xem Dune 2
Dustin Moskovitz, một trong những đồng sáng lập Facebook, đang trò chuyện cùng bạn bè khi những người khác nhấm nháp nhiều loại cocktail có tên kỳ lạ như Fremen Mirage và Arrakis Palms – lấy cảm hứng từ các xứ sở trong vũ trụ Dune. Tim O’Reilly, một tên tuổi từng sừng sỏ trong ngành công nghệ, đã ghé qua và Alex Stamos, cựu giám đốc an ninh tại Facebook, cũng xuất hiện.
“Anh có nghĩ họ sẽ để tôi mang hộp bỏng hình sâu cát trông quái đản kia về nhà không?” một ai đó trong đám đông nói. Những chiếc hộp đựng bỏng ngô được thiết kế theo hình sâu cát trong Dune đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội.
Theo New York Times, hầu như toàn bộ những tên tuổi lớn trong Thung lũng Silicon đều có mặt ở đây, để ăn mừng “thú vui” mới của Thung lũng Silicon – Dune: Part Two, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của tác giả Frank Herbert. Cuốn tiểu thuyết đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong số họ bắt đầu quan tâm đến công nghệ.
Theo sau phần đầu vào năm 2021, phần 2 đã khởi đầu thành công với doanh thu 178 triệu USD trên toàn cầu, được đánh giá là thành tích khủng cho một bom tấn khoa học viễn tưởng
Giới hạn người tham gia, buổi chiếu riêng chỉ dành cho người nhận được thiệp mời tại rạp IMAX ở trung tâm thành phố San Francisco. Sự kiện được tổ chức bởi hai cựu giám đốc điều hành công nghệ, Matt Herrero và Jason Goldman, người đã chuyển sang làm podcast về khoa học viễn tưởng “Escape Hatch”.
Trên khắp Thung lũng Silicon – từ các công ty đầu tư mạo hiểm đến nhà điều hành tập đoàn công nghệ – mọi người đều đặt lịch chiếu riêng cho bộ phim do Denis Villeneuve đạo diễn.
Đúng vào ngày công chiếu, công ty liên doanh 50 Years đã mời những người sáng lập, bạn bè và nhà đầu tư “tiếp sức cho trí tưởng tượng bằng một tuyệt tác khoa học viễn tưởng” tại rạp IMAX.
Founders Fund, một công ty đầu tư mạo hiểm do tỷ phú Peter Thiel đồng sáng lập, đã thuê rạp chiếu phim Alamo Drafthouse ở Quận Mission, San Francisco để chiếu phim hôm 1/3, cùng quầy bar mở và thức ăn miễn phí. Nhiều người đã bay từ khắp nơi trên lãnh thổ nước Mỹ để đến tham dự.
“Nếu tự xưng là một công ty đầu tư mạo hiểm, mà lại không tổ chức một buổi chiếu Dune 2 riêng tư, thì có thật sự là một công ty đầu tư mạo hiểm không?”, Ashlee Vance, một nhà báo công nghệ lâu năm, chia sẻ trên X.
Ngay cả khi các công ty công nghệ đã cắt giảm việc làm và phúc lợi nhân viên trong những tháng gần đây, truyền thống chiếu phim khoa học viễn tưởng vẫn luôn tồn tại. Những bộ phim như Star Wars, Dune… là những điều đã giúp khuấy động sự quan tâm của giới công nghệ trong lĩnh vực khoa học máy tính.
Không chỉ xem thế giới viễn tưởng trên màn ảnh, nhân viên tại các tập đoàn như Meta, Google còn bắt đầu lấy ý tưởng trực tiếp từ những bộ phim yêu thích để xây dựng các sản phẩm của tương lai.
Trong những ngày đầu thành lập Google, công ty thường xuyên thuê lại toàn bộ rạp chiếu phim để xem bộ phim siêu anh hùng mới nhất.
Khi Blade Runner 2049 ra mắt vào năm 2017, công ty ngân hàng đầu tư công nghệ Code Advisors đã thuê Alamo Drafthouse để chiếu riêng cho nhân viên. Các công ty đầu tư mạo hiểm cũng làm theo thông lệ này cho các bộ phim và loạt phim sci-fi khác, bao gồm The Martian, Arrival và Westworld của HBO.
“Paul Atreides của Dune như Steve Jobs của giới công nghệ”
Nhưng Dune và Dune: Part Two giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim và tâm trí nhân tài Thung lũng Silicon vì tính viễn tưởng loạt phim mang lại. Dune ra đời ở San Francisco, nơi tác giả Herbert sống vào cuối những năm 1950 khi ông nghiên cứu về một xứ cát không có thật.
“Đây là một trong những minh chứng cho thấy con người đã bắt đầu xây dựng thế giới mới ở San Francisco dù nó chỉ xuất hiện trong tiểu thuyết. Còn bây giờ, tất cả chúng tôi đều hướng tới xây dựng một thế giới mới thật sự ở đây”, Jason Goldman, cựu giám đốc Twitter, nói.
Với nhiều tín đồ công nghệ, những buổi chiếu phim Dune 2 là cơ hội giúp họ thoát khỏi các cuộc chiến văn hóa công nghệ đang diễn ra khốc liệt trên cả thế giới ảo và đời thực.
“20 năm trước, có thể sẽ có rất nhiều người khao khát trở thành kỹ sư ở Thung lũng Silicon hơn thế này. Còn bây giờ, không ít người dè bỉu công việc này. Nhưng tối nay tất cả chúng ta đều tụ tập ở đây để xem phim. Tất cả chúng ta đều đang cố gắng để có một khoảng thời gian vui vẻ”, Tom Coates, cựu nhân viên công nghệ, xuất hiện tại bữa tiệc và nói.
Goldman cho biết một phần nguyên nhân dẫn đến việc Thung lũng Silicon say mê Dune có thể đến từ nhân vật Paul Atreides (do Timothée Chalamet đóng). Là vị cứu tinh do Chúa trời ban xuống, anh lãnh đạo tộc người Fremen bị áp bức đứng lên và đánh bại các gia tộc, phe phái phản diện.
“Điều mọi người mong muốn và điều họ luôn cố gắng học theo bộ phim là tạo ra một nhà lãnh đạo đầy sức hút với khả năng nhìn thấy tương lai. Sự ngưỡng mộ của giới công nghệ dành cho Steve Jobs cũng giống như sự tôn sùng dành cho Paul Atreides”, Goldman nói.
Ở buổi chiếu phim, có người còn tặng Herrero và Goldman một tấm poster Dune: Part Two được in riêng theo yêu cầu, với khuôn mặt của họ được ghép vào những nhân vật nổi tiếng trong phim. Trong khu vực sảnh đợi, bàn ghế xếp ngay hàng thẳng lối với các khay đựng món tráng miệng parfaits Nebula Nebulae hay bánh Atreides Delicacies – lấy cảm hứng từ bộ phim.
Sau khi bộ phim dài 2h46’ kết thúc, cả nhóm bước vào phòng VIP để quay podcast trực tiếp về những gì họ vừa xem. Cuộc vui tiếp tục kéo dài quá nửa đêm.
Không lâu sau đó, Goldman lại tiếp tục mua vé xem phim Dune: Part Two vào ngày 4/3. “Tôi nóng lòng muốn được xem lại lần nữa”, ông nói với New York Times.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.
Theo Tạp Chí Tri Thức.