TP HCM – Bị cáo Nguyễn Cao Trí khai, trong bối cảnh bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã muốn “cắt đứt liên quan đến Vạn Thịnh Phát, để tốt cho bà Lan” nên xóa sạch các giao dịch.
Ngày 11/3, ông Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Capella) là người cuối cùng bị tòa xét hỏi để làm rõ hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Ông này bị cáo buộc nhiều lần nhận tiền của bà Lan, tổng cộng 40 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng), thông qua ba hình thức là chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp, mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà tỉnh Quảng Ninh.
Trả lời HĐXX, ông Trí thừa nhận cáo trạng truy tố đúng tội, cho biết quen bà Lan từ năm 2017 với tư cách là các doanh nhân, “chỉ là chị em, bạn bè”. Số tiền 1.000 tỷ đồng nhận từ bà Lan qua các giao dịch bằng miệng, không có hóa đơn chừng từ. Khi có thông tin bà Lan bị khởi tố, bị cáo rất bối rối bởi đang có nhiều hợp đồng cần phải thanh toán.
Theo Chủ tịch tập đoàn Capella, sự việc bà Lan bị bắt khiến ông có khả năng phải trả gấp đôi số tiền đã nhận từ hệ thống của bà Lan. “Bị cáo đắn đo về quyền lợi của chị Lan, cân nhắc công khai quan hệ thực tế hay công khai quan hệ trên giấy tờ. Lúc đó truyền thông loan tin dữ dội về hệ thống của bị cáo quan hệ với chị Lan, sợ ảnh hưởng nên bị cáo muốn tách bạch ra”, ông Trí trình bày về nguyên nhân “xóa sạch” các giao dịch nhận tiền từ bà Lan.
Trương Mỹ Lan: ‘Tôi đau xót khi bị nói thâu tóm SCB’
Trả lời tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng không thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng kết luận, bật khóc vì “thấy đau xót khi bị nói là thâu tóm SCB”.
Cáo trạng xác định, sau khi bà Lan bị bắt giam, Trí đã chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đã ký trước đó. Mục đích là nhằm xóa bỏ quyền sở hữu tại Công ty Văn Lan của bà Lan để chiếm đoạt tiền 1.000 tỷ đồng.
Ông Trí trình bày thêm rằng, ngay sau đó đã nhận ra “vấn đề không hề đơn giản” nên đã đề nghị hoàn trả tiền vào hệ thống của bà Lan nhưng không được chấp nhận. “Bị cáo nghĩ giao dịch mà để người khác đứng tên có nghĩa là chị Lan không muốn công bố. Và việc này đã dẫn đến sai lầm của bị cáo”, ông Trí thừa nhận, thêm rằng “chỉ mong có lợi cho chị Lan”.
Theo chủ tọa, trên thực tế, các hành vi của bị cáo là nhằm loại trừ trách nhiệm của mình với khoản tiền đã nhận của bà Lan. HĐXX ghi nhận ông Trí mong muốn khắc phục toàn bộ số tiền 1.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt.
Được hỏi với tư cách bị hại ngay sau đó, bà Trương Mỹ Lan cho rằng quan hệ giữa mình với ông Trí “như chị em, tiền bạc trước giờ rõ ràng” và không có ý kiến về lời khai của bị cáo.
“Khi tôi bị bắt, nghĩ rằng việc làm của ông Trí chỉ là tai nạn. Tôi cảm ơn cơ quan điều tra đã chứng minh tôi không vu khống (cho Trí)”, bà Lan nói đồng thời mong HĐXX giảm án cho bị cáo Trí.
Trước khi kết thúc phần xét hỏi, ông Trí một lần nữa trần tình về nguyên nhân, động cơ phạm tội là trong bối cảnh bà Lan bị bắt, chứ không cố ý chiếm đoạt tiền. Chủ tịch tập đoàn Capella mong HĐXX xem xét giảm nhẹ, đồng thời nói lời cảm ơn bà Lan đã xin giảm án cho mình. “Chị Lan yên tâm, số tiền của chị sẽ được khắc phục toàn bộ, xin chúc chị sức khỏe”, ông Trí nói.
Những cuộc mua bán hàng chục triệu USD không có biên nhận
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bà Lan khai, lần đầu gặp mặt tại trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Trí đặt vấn đề bán cho bà 30% cổ phần của ông tại Công ty cổ phần Cao Su, tỉnh Đồng Nai. Bà đồng ý mua và đặt cọc 6 triệu USD, sau đó nhiều lần thanh toán bằng tiền Việt tổng cộng là 500 tỷ đồng (23 triệu USD) và nhờ Hồ Quốc Minh đứng tên. Chủ tịch tập đoàn Capella còn hứa giúp bà sở hữu trên 66% cổ phần để nắm toàn quyền quyết định công ty, song không thực hiện.
Đến năm 2019, ông Trí mời bà hợp tác trong dự án Khu công nghiệp tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (hơn 20.000 ha). Đây là dự án ông Trí dùng Công ty CP Tập đoàn Bến Thành Holdings group đi xin dự án và chịu trách nhiệm lo về pháp lý. Bà Lan đã giới thiệu đối tác nước ngoài vào đầu tư và làm việc với ông Trí. Ông Trí nhiều lần ứng mượn tiền của bà tổng cộng 12,5 triệu USD và thống nhất khi dự án được triển khai thì khoản tiền này được tính vào chi phí ông Trí được hưởng. Tuy nhiên, do dự án triển khai chậm, bà Lan yêu cầu chuyển trả lại số tiền trên hoặc chuyển nhượng Công ty Bến Thành cho bà, song ông Trí không thực hiện.
Liên quan đến Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, bà Lan cho biết, năm 2020 ông Trí gặp thuyết phục, năn nỉ đầu tư dự án này nhưng bà không có nhu cầu. Ông Trí sau đó mượn tiền bà để đầu tư dự án.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển cho ông Trí vay 300 tỷ đồng nhưng không ký giấy tờ biên nhận. Do bà không muốn làm, nên ông Trí nói sẽ chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư ngoài Hà Nội và sẽ trả cho bà 500 tỷ đồng “nhưng cũng chỉ là lời hứa”. Sau đó, hai bên gặp nhau tính toán công nợ, chốt: ông Trí nợ bà Lan 1.000 tỷ đồng. Chủ tịch tập đoàn Capella chuyển nhượng cho bà 10% cổ phần Công ty cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang để cấn trừ nợ. Số cổ phần này bà cũng nhờ Hồ Quốc Minh đứng tên, còn bà giữ sổ cổ đông.
Ông Nguyễn Cao Trí từng cho rằng ‘bị vu khống, bôi nhọ’
Nhà chức trách xác định, sổ sách kế toán của Công ty Văn Lang không ghi nhận việc chuyển nhượng vốn điều lệ trên. Tháng 10/2022, sau khi bà Lan bị bắt giam, Trí chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đã ký trước đó. “Mục đích làm việc này của Trí nhằm xóa bỏ quyền sở hữu tại Công ty Văn Lang của bà Lan để chiếm đoạt tiền”, cáo trạng nêu.
Ban đầu, tại cơ quan điều tra, ông Trí khẳng định không nhận khoản tiền nào và còn có nhiều đơn gửi đi các nơi cho rằng “bị bà Trương Mỹ Lan bôi nhọ danh dự”, nhưng sau đó thừa nhận hành vi.
Theo VN Express.