Gen Z ngày càng chiếm số đông trong lực lượng lao động nhưng lại thờ ơ với các ngành công nghiệp sản xuất khiến nhà máy đối mặt khủng hoảng thiếu nhân lực thay thế.
Từ sau Tết, Công ty TNHH May Oasis ở huyện Củ Chi, 100% vốn FDI, có thêm nhiều đơn hàng mới. Nhà máy cần tuyển thêm nhân viên quản lý đơn hàng. Yêu cầu các vị trí giao tiếp tiếng Anh tốt để làm việc trực tiếp với người nước ngoài. Doanh nghiệp chấp nhận ứng viên chưa có kinh nghiệm, lương khởi điểm 13-14 triệu đồng cho người mới ra trường. Nhà máy có xe đưa đón nhân viên từ trung tâm hoặc ký túc xá gần nhà máy…
Đại diện công ty cho hay tin tuyển dụng được đăng tải từ các trang web tuyển dụng đến mạng xã hội để tiếp cận nhiều ứng viên không chỉ ở TP HCM và các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, việc tiếp cận Gen Z (những người được sinh ra từ năm 1997 đến 2012) còn hạn chế.
Biết Gen Z có nhiều khác biệt với các thế hệ trước, nhà máy đã có thêm nhiều chương trình phúc lợi, không gò bó trang phục đi làm, lên rõ lộ trình thăng tiến sau 1-2 năm nhưng vẫn không tìm được ứng viên phù hợp. “Các nhà máy sản xuất đang rất cần nhân sự trẻ để bổ sung, thay thế cho lao động về hưu”, bà cho hay.
“Nhà máy sản xuất khó tuyển được nhân sự vấn đề không chỉ ở doanh nghiệp mà Gen Z không mặn mà với ngành này”, bà Thanh Nguyễn, CEO Anphabe – doanh nghiệp hàng đầu về khảo sát, nghiên cứu thị trường lao động nhận định.
Khảo sát Xu hướng lựa chọn công việc của Gen Z năm 2023, với sự tham gia của hơn 14.000 người thuộc thế hệ này, cho kết quả những ngành được nhóm này yêu thích nhất là: Ẩm thực và Nghỉ dưỡng, Dịch vụ tài chính và Bán lẻ, bán sỉ, thương mại và luôn ghi nhận sự gia tăng qua các năm. Công việc cụ thể Gen Z ưu tiên lựa chọn là Bán hàng, Phát triển thị trường, Kế toán, Tài chính, Đầu tư, Dịch vụ, Chăm sóc khách hàng.
“Sản xuất công nghiệp lọt khỏi top 10 ngành, nghề yêu thích, ưu tiên lựa chọn của Gen Z”, bà Thanh Nguyễn nói.
Nhiều năm phụ trách nhân sự cho tập đoàn tư nhân đa ngành ở TP HCM, ông Bùi Văn Duy cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến ngành sản xuất công nghiệp và Gen Z không tìm được điểm chung.
Theo đó, nhân viên làm trong nhà máy sản xuất dù ở khối văn phòng vẫn phải tuân thủ thời gian làm việc đúng ca, kíp, đề cao tính nguyên tắc, kỷ luật vì làm theo dây chuyền. Hầu hết nhà máy phải làm thứ bảy. Đơn hàng gấp phải tăng ca để kịp tiến độ. “Đưa lên bàn cân với dịch vụ thương mại, khối sản xuất bất lợi hoàn toàn bởi Gen Z ưa thích công việc thời gian linh động hơn”, ông Duy nói.
Gần 15 năm giữ vai trò tìm kiếm nhân lực cho doanh nghiệp, ông Duy cho rằng ngành sản xuất công nghiệp phải liên tục cải tiến để nâng cao năng suất, cạnh tranh đơn giá. Do đó, chủ doanh nghiệp cũng mong muốn nhân sự ổn định để phát triển. Tuy nhiên, mức độ gắn bó của lao động trẻ với công ty quá thấp. Các nhà máy làm theo ca, kíp tuân thủ nội quy nghiêm ngặt, lương ổn định, tăng đều qua các năm nhưng khởi điểm không thể cao như các ngành dịch vụ, bề ngoài không “bóng bẩy” nên khó hấp dẫn các lao động trẻ.
Nhận định của ông cũng trùng khớp với khảo sát của Anphabe, trên 70% người được hỏi mong muốn được cân bằng công việc với cuộc sống, công việc thoải mái, thú vị, đồng nghiệp thân thiện. Đặc biệt, mục tiêu hàng đầu nhóm này đặt ra là thu nhập phải đủ sống và tiết kiệm được. Tuy nhiên, thời gian gắn bó bình quân của Gen Z với nơi làm việc chỉ 2,2 năm.
PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, cho rằng những đối nghịch giữa khối ngành công nghiệp sản xuất và nhu cầu, mong muốn của Gen Z đang đặt các nhà máy vào cuộc khủng hoảng tìm kiếm nhân sự bổ sung hoặc thay thế cho các thế hệ trước.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê, ông Lộc nói số lượng Gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, thế hệ này sẽ đóng góp 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Gen Z sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước và đang dần thay thế lực lượng lao động hiện tại.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn giữ vai trò chủ chốt trong toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 43-44% và năm 2035 chiếm 40-41% trong cơ cấu kinh tế cả nước. Giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%.
“Cần có chiến lược đào tạo và hướng nghiệp để thu hút lao động trẻ vào khối ngành sản xuất công nghiệp. Việc này góp phần giúp các mục tiêu kinh tế được đảm bảo thực hiện”, ông Lộc nói.
CEO Anphabe Thanh Nguyễn cho rằng các đặc tính của Gen Z đã được hình thành, đặc biệt đề cao sự linh động, nhu cầu cá nhân, có tinh thần cầu tiến, tư duy mở. Do đó, thay vì tìm cách thay đổi Gen Z, các nhà máy sản xuất có thể “nới” các quy định, gia tăng phúc lợi để bù đắp cho những tiêu chuẩn cứng không thể thay đổi.
Theo đó, nhà máy làm ca, kíp, theo dây chuyền nhưng vẫn có những công việc có thể làm từ xa, không bắt buộc đến đúng giờ, hoặc có mặt đúng thời gian ở công ty. Người quản lý chỉ cần đặt ra yêu cầu công việc và đảm bảo hoàn thành.
Nhà máy sản xuất thường có xe đưa đón, ký túc xá… sẽ rất phù hợp với lao động trẻ chưa có nhà ở thành phố. Do đó, người làm công tác nhân sự cần hướng đến nhóm này để hai bên gặp được nhau. “Muốn tìm được người, đặc biệt người giỏi, nhà tuyển dụng phải chịu khó bởi Gen Z chẳng phải ai xa lạ, họ là con của những người quản lý thuộc thế hệ trước như Y, X… Đã là phụ huynh thì phải kiên nhẫn, uốn nắn dần”, bà Thanh Nguyễn nói.
Theo VN Express.