Vanessa Lee, 28 tuổi, rất muốn làm mẹ nhưng khi nghĩ đến chuyện nuôi dạy một đứa trẻ, vợ chồng cô tắt ngấm ý định sinh con.
“Nếu đứa trẻ nói muốn tôi ở nhà chơi với con, tôi buộc phải từ chối vì còn công việc”, Vanessa, ở Singapore nói.
Những người như cô khiến vấn đề tỷ lệ sinh giảm trở nên nhức nhối ở nhiều quốc gia như Singapore hay Hàn Quốc, Nhật Bản. Mới đây, Bộ Nội vụ Nhật Bản tiết lộ tổng dân số của nước này đã giảm năm thứ 15 liên tiếp. Tương tự, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vào năm 2023.
Hậu quả kép của tình trạng dân số già hóa và thiếu hụt trẻ sơ sinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Chính phủ các nước này đang tìm cách ngăn chặn những hậu quả kinh tế và xã hội đi kèm với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.
Tuy nhiên hành động của các chính phủ dường như không có tác dụng. Thậm chí các biện pháp cực đoan đã được thử nghiệm ở Tokyo và Seoul để ép mọi người sinh con nhưng các chuyên gia nhân khẩu học cảnh báo rằng các chính sách như vậy có thể giải quyết các triệu chứng, không phải gốc rễ của vấn đề .
Đầu tháng này, chính quyền Tokyo đã đầu tư 1,28 triệu USD vào một ứng dụng hẹn hò dành cho người dân, dự kiến ra mắt trong mùa hè này. Đây là một phần của chiến dịch mang tên Tokyo Futari Story (“futari” có nghĩa là cặp đôi). Dịch vụ yêu cầu người dùng xác minh thu nhập, chứng minh chưa kết hôn, tham gia phỏng vấn với nhân viên của ứng dụng và ký cam kết có ý định kết hôn.
Một quan chức Nhật Bản chia sẻ hy vọng ứng dụng mai mối do chính phủ tổ chức sẽ mang lại cảm giác an toàn, không tốn thời gian, tiền bạc và khuyến khích mọi người tìm kiếm bạn đời.
Một số chuyên gia lạc quan về việc chính phủ đóng vai “thần tình yêu”
Nhưng một số khác cho rằng cách này cũng khó thay đổi tình hình.
Omar Minami, đồng sáng lập một ứng dụng hẹn hò của Nhật Bản, cho biết tỷ lệ kết hôn và sinh thấp là kết quả của các vấn đề kinh tế và văn hóa sâu sắc hơn nhiều, bao gồm khoảng cách tiền lương theo giới tính, văn hóa làm việc căng thẳng và chi phí nuôi con khổng lồ.
Một mô hình thực tế hơn là kết hợp công – tư. Năm ngoái, ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất của Nhật Bản, Pairs do Match Group sở hữu, đã bắt đầu hợp tác với một số tỉnh và thành phố. Các chính phủ đã thuê các nhà nghiên cứu thiết kế bảng câu hỏi cho người dùng và đã tổ chức các hội thảo hẹn hò, trả chi phí thành viên cho công dân dùng ứng dụng.
Francesca Katayama, 31 tuổi gặp chồng mình trên Pairs ở Tokyo vào năm 2021 (hiện có cặp song sinh 2 tuổi) cho biết cô ủng hộ chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho việc hẹn hò, nhưng cô đổ lỗi cho chi phí sinh hoạt cao và văn hóa làm việc căng thẳng của đất nước này là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ thấp.
Trong khi đó, tại Seoul, chính phủ Hàn Quốc đang cung cấp khoản tiền ưu đãi lên tới 730 USD để người dân hủy bỏ biện pháp triệt sản. Đây là chính sách mở rộng nhằm khuyến sinh. Trước đó họ đã trợ cấp cho phụ nữ đông lạnh trứng và trợ cấp cho những bậc cha mẹ có con mới sinh.
“Những đề xuất này, theo một cách nào đó mang tính cấp tiến hơn, có lẽ là kết quả của việc các nhà hoạch định chính sách cảm thấy tuyệt vọng”, Paulin Straughan , giáo sư xã hội học tại Đại học Quản lý Singapore, nói. “Tất cả các ý tưởng truyền thống mà chúng ta có dường như không hiệu quả. Vì vậy, chúng ta phải thử nhiều ý tưởng mới lạ hơn để thúc đẩy”.
Còn Singapore và Hong Kong đã áp dụng các biện pháp can thiệp một lần như trao tiền thưởng sinh con. Tại Singapore, cha mẹ có thể nhận được 11.000 USD cho đứa con đầu tiên và thứ hai và 13.000 USD cho mỗi đứa con tiếp theo.
Nhưng những biện pháp như vậy dường như không hấp dẫn những phụ nữ trẻ như Lee. Cô cho rằng chính phủ có thể đang đánh giá quá cao hiệu quả của biện pháp thưởng tiền này. Theo cô, cần phải có sự thay đổi trong tư duy của xã hội đối với công việc và gia đình thì mới thay đổi được suy nghĩ mọi người.
“Không chỉ là sinh con, còn là các vấn đề lâu dài như chăm sóc và nuôi dạy đứa trẻ thế nào”, cô nói.
Một số đông bậc cha mẹ nói họ không đẻ vì chi phí tài chính và vấn đề này không thể giải quyết được chỉ bằng khoản tiền thưởng khi sinh con. “Tôi sẽ không chọn chi một phần thu nhập của mình cho trẻ em vì quá tốn kém”, nhà sáng tạo nội dung Emily Huang , 29 tuổi, ở Trung Quốc chia sẻ. Cô thấy lo cho khoản nghỉ hưu quan trọng hơn sinh con.
Giáo sư khoa học và xã hội Stuart Gietel-Basten, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết các chính phủ đang giải quyết “sai vấn đề” nếu họ nghĩ rằng tỷ lệ sinh thấp chỉ đơn giản là do mọi người không quan hệ tình dục.
“Chúng ta có rất nhiều chính sách được thiết kế để tăng tỷ lệ sinh, nhưng có rất ít, thậm chí là không có, bằng chứng cho thấy các chính sách này có hiệu quả”, ông nói.
Giáo sư Paulin Straughan, Đại học Quản lý Singapore, cho biết các quốc gia không nên hoàn toàn bỏ qua tình trạng sinh đang giảm sút, nhưng sẽ tốt hơn nếu khai thác tiềm năng của người nhóm dân số tóc bạc.
“Đến một lúc nào đó, chúng ta phải chấp nhận sẽ có một tỷ lệ lớn hơn những người muốn sống độc thân. Điều đó không sao cả”, Straughan nói. “Nhưng đồng thời, chúng ta cần phải làm gì khác đi để tối đa hóa tiềm năng của họ?”
Theo Gietel-Basten, tỷ lệ sinh thấp là “thước đo những thách thức trong xã hội” và do đó nên được coi là “triệu chứng của các vấn đề trong xã hội”.
“Chỉ đe dọa và ép buộc những người trẻ sinh thêm con không phải là giải pháp, Chúng ta phải lắng nghe các gia đình trẻ và thực sự cố gắng hỗ trợ họ, thay vì đưa ra các chính sách nực cười và áp đặt từ trên xuống dưới”, chuyên gia này nói.
Theo VN Express.