TP HCM Thấy người đàn ông xuất hiện trên màn hình điện thoại với đôi mắt, nụ cười giống hệt đứa con trai mất tích đúng ngày đất nước thống nhất, bà Lâm Yến bưng mặt khóc.
Người phụ nữ 79 tuổi đã nghĩ cả đời này sẽ không thể gặp lại con nhưng một phép màu đã xuất hiện sau đúng 49 năm.
Ngày 30/4/1975, bà Yến gửi con trai Lâm Hoàng Dũng cho em dâu ở Sài Gòn để đưa gia đình chị gái xuống Vũng Tàu lên thuyền sang nước ngoài. Khi đó, người chị ra sức thuyết phục bà Yến lên tàu cùng. “Em không thể bỏ các con mà đi một mình được”, bà nói. Ngoài Dũng là con với một lính Mỹ, bà còn có hai đứa con khác với chồng trước đã mất khi ngoài 20 tuổi.
Lúc trở về bà không bắt được xe, đành đi bộ 5 ngày 5 đêm. Đi bộ cả trăm km nhưng vừa bước chân vào nhà, bà nhận tin sét đánh đứa con trai cùng giấy khai sinh đã được giao cho một phụ nữ tên Trang – bạn cũ của chị gái. Người em dâu giải thích, sau nhiều ngày bặt vô âm tín, nghĩ bà Yến đã chết trên đường đi nên đã trao Dũng cho bà Trang, hy vọng cậu bé có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Em còn bốn đứa con phải nuôi, thêm thằng Dũng không thể kham nổi”, người em giải thích.
Bà Yến hoảng loạn chạy ra bến xe hỏi tung tích con trai. Gặp ai bà cũng cố miêu tả về thằng bé da màu, tóc xoăn tít cùng đôi mắt to tròn nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nhiều ngày tìm kiếm vô vọng, người mẹ đành bỏ cuộc.
Từng làm việc phục vụ quân đội Mỹ ở Quy Nhơn, Bình Định nên sau giải phóng bà Yến bị đưa đi cải tạo. Suốt 9 tháng lao động tập trung, không đêm nào người mẹ ngủ yên, cứ nhắm mắt là hình bóng con trai lại ập về.
Người mẹ chưa bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy con. Hàng ngày bà vẫn nghe ngóng tin tức, dò hỏi khắp nơi nhưng vẫn không có kết quả. Nhiều người đoán Dũng đã chết vì ra đi đúng thời điểm loạn lạc nhưng người mẹ linh cảm cậu bé vẫn còn sống.
Thời gian đi cải tạo, bà Yến gặp được người chồng hiện tại, sinh thêm hai đứa con. Bà thuyết phục chồng, dù khó khăn thế nào vẫn cố gắng trụ lại TP HCM để gần gia đình ngoại, hy vọng ngày nào đó con trai có thể tìm về.
Thời gian dần trôi nhưng nỗi đau mất con không thể nguôi ngoai. Nhiều đêm bà Yến vẫn bị ảo giác, nghe thấy con gọi mẹ. Cậu bé Dũng luôn xuất hiện trước mắt bà là thằng bé ba tuổi mặc chiếc quần cộc sáng màu hớn hở chạy ra ngõ đón mẹ đi làm về. Nhưng cũng có lần trong giấc mơ, Dũng lại trách mẹ bỏ rơi mình, khiến bà Yến bừng tỉnh trong tiếng khóc.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, người mẹ ngỡ rằng kiếp này không còn cơ hội gặp lại con. Hai năm trước, bà về Vĩnh Long chơi với gia đình con gái thứ hai tên Kim Thảo. Tối đến, chị Thảo bật kênh “Tuấn Vỹ-chuyên tìm kiếm người thân mất tích” cho mẹ xem cùng. Thấy thái độ khác lạ của bà Yến, con gái đùa: “Má, con có đứa em nào thất lạc không để đi tìm cho má”.
Câu nói của con gái khiến người mẹ thảng thốt hỏi: “Con muốn thật à?”, nói xong bà òa khóc. Ngoài người chồng hiện tại và anh em bên ngoại biết tới sự tồn tại của Dũng, hai đứa con với chồng đầu không hề biết có em trai da màu. “Mẹ từng muốn ôm chuyện đau khổ ấy cho đến khi qua đời”, bà Yến nói với con gái.
Cơn xúc động không thể lắng xuống, chị Thảo khuyên mẹ nên nghỉ ngơi, nếu muốn kể đợi khi nào về TP HCM hãy biên thư cho chị. Bốn ngày sau, con gái nhận được thư mẹ. Dù nét chữ không rõ ràng, nhưng người con vẫn hiểu được tình cảnh của mẹ cùng cậu em thất lạc gần nửa thể kỷ trước. Sau ngày nhận thư, tháng 7/2022, chị Thảo liên hệ với anh Tuấn Vỹ, hy vọng nếu còn sống, em trai có thể tìm về. Thông tin đưa ra nhưng nửa năm không có tin mới, chị Thảo tiếp tục xin đăng tìm người lần hai nhưng vẫn không đạt kết quả.
“Tôi đã hứa với mẹ sẽ làm mọi cách để có được thông tin của Dũng. Trừ phi em đã chết, nếu không vẫn còn hy vọng”, chị Thảo kể.
Cuối năm ngoái, chị Thảo biết thông tin về một người đàn ông có hoàn cảnh tương tự. Từng có ý định xét nghiệm ADN với tiêu chí “thà nhận nhầm còn hơn bỏ sót”, nhưng khi đưa ảnh cho bà Yến xem, người mẹ nói với con gái: “Chắc chắn không phải Dũng, mẹ không có cảm xúc nào với khuôn mặt này”. Cuộc tìm kiếm vì thế đi vào ngõ cụt.
Tháng 6/2024, chị Thảo nhận được thông tin về một người phụ nữ tên Trang, sống tại Mỹ đăng tìm người giống tên mẹ và bác gái mình. Mục đích chính của người phụ nữ này là muốn tìm mẹ ruột cho con trai nuôi. Khi đối chứng thông tin trùng trùng khớp với thông tin phía bà Trang đưa ra, từ nơi ở cũ, tên tuổi anh chị em trong nhà, các chi tiết liên quan đến tuổi thơ của anh Dũng, bà Yến bật khóc.
Nhiều đêm tiếp theo, người mẹ không ngủ được. Bà luôn tưởng tượng khi gặp lại con nên nói gì hay phản ứng ra sao.
“Mọi thứ có thể không diễn ra như những gì đã nghĩ, nhưng có điều chắc chắn là tôi sẽ nói với Dũng mẹ đã không chết và chưa bao giờ có ý định bỏ con”, bà Yến nói.
Được kết nối, bà Yến lần đầu nói chuyện với bà Trang, tháng 7/2024. Hai người mẹ, một ở Việt Nam, một ở Mỹ gặp nhau nghẹn ngào không nói nên lời. Bốn ngày sau, cuộc gặp gỡ có thêm anh Lâm Hoàng Dũng.
Sau khi sang Mỹ, anh Dũng được bà Trang nuôi ăn học thành tài, hiện làm việc trong ngân hàng. Anh đã kết hôn và có hai con. Con gái đầu 24 tuổi là y tá, con trai 21 tuổi là sinh viên đại học.
Vì không biết nhiều về quá khứ, anh Dũng sau đó muốn xét nghiệm ADN để chắc chắn mọi việc. Hai tuần trước, kết quả đã xác thực Lâm Hoàng Dũng chính là con ruột của bà Lâm Yến. Từ khi biết tin, ngày nào người đàn ông này cũng gọi điện hỏi thăm mẹ. Dù nhiều năm không sử dụng ngoại ngữ, người phụ nữ Việt vẫn tự tin giao tiếp với con bằng tiếng Anh. Bà còn dạy anh vài câu tiếng Việt để có thể nói chuyện với anh chị em ruột của mình.
Sang năm tới, khi thủ tục hoàn thiện, anh Dũng sẽ về Việt Nam thăm mẹ. Từng một lần bị tai biến, đi lại khó khăn nhưng từ ngày gặp lại con, bà Yến khỏe hẳn ra bởi ăn được, ngủ được. Người mẹ luôn tâm niệm phải giữ sức khỏe thật tốt chờ con trai trở về, để được ôm đứa con trai đã xa cách 49 năm.
Biết Dũng thích ăn hải sản, bà Yến luôn dặn chị Kim Thảo: “Khi nào Dũng về, nhớ nấu cho em ghẹ nướng, tôm biển rang me và tôm hấp nước dừa, con nhé”.
Theo VN Express.