Nhiều người dùng điện thoại “cục gạch” cho biết không thể thực hiện cuộc gọi dù vẫn có thể nhắn tin, nên buộc phải đi mua thiết bị 4G thay thế.
Đầu tháng 8, con trai chị Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu trở lại trường, nhưng không thể liên lạc với mẹ khi tan học. Khi gọi điện, nhà mạng thông báo “vui lòng đổi lên điện thoại 4G/5G để không bị gián đoạn dịch vụ” sau đó ngắt cuộc gọi.
“Tôi mua máy cho hai con cách đây 4 năm để mang đi học. Suốt hai tháng hè, máy gần như không được sử dụng. Phải tới khi điện thoại bị cắt chiều gọi đi, tôi mới tìm hiểu và biết về lịch trình tắt sóng 2G”, chị Thảo cho hay.
Để tiếp tục sử dụng, chị phải ra cửa hàng mua điện thoại mới hỗ trợ 4G để thay thế. Nhân viên cửa hàng cho biết mỗi ngày họ bán hơn 10 máy mới cho khách đang dùng điện thoại 2G.
Theo đại diện Vinaphone, các nhà mạng đã bắt đầu nhắn tin tới thuê bao sử dụng điện thoại 2G từ đầu năm về việc sẽ ngừng hỗ trợ hoàn toàn từ 16/9. Tuy nhiên nhiều người, nhất là trẻ nhỏ, không để ý đến những thông báo này. Việc chặn chiều gọi đi với thiết bị 2G được coi là cách để thúc đẩy người dùng nhanh chóng chuyển sang thiết bị mới, hỗ trợ công nghệ kết nối 4G trở lên để tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Các hệ thống bán lẻ lớn như Hoàng Hà Mobile, CellphoneS, ClickBuy đều cho biết doanh số điện thoại ghi nhận tăng 20-30%, hay tới 50% tại FPT Shop, trong một tháng qua, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ do nhiều người phải đổi lên điện thoại 4G/5G.
“Ngay khi có thông tin về lộ trình tắt sóng công nghệ cũ, chúng tôi đã xây dựng chương trình kích cầu, khuyến mãi đến nhóm người từ bỏ điện thoại 2G, chủ yếu là người lớn tuổi, học sinh”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellPhoneS, nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại hệ thống FPT Shop, cho biết đây là cơ hội rất tốt để thị trường smartphone, nhất là phân khúc giá rẻ tăng doanh số. “Ở phân khúc giá thấp, thương hiệu không được ưu tiên đáng kể như phân khúc cao hơn. Model của hãng nào có cấu hình tốt, giá phải chăng đều dễ dàng được đón nhận”, ông Kha nhận định.
Ngoài hệ thống bán lẻ, các thương hiệu điện thoại mới cũng nhìn thấy cơ hội để gia tăng doanh số khi gấp rút ra mắt sản phẩm mới phù hợp. “Việc dừng sóng 2G được chúng tôi dự đoán tạo nhu cầu lớn cho nhóm khách cần nâng cấp lên máy 4G. Công ty đã đẩy nhanh tiến độ để kịp bán smartphone với giá thấp A34 và A54, cũng như dòng điện thoại cơ bản có camera và 4G từ 390.000 đồng trong tháng 8”, ông Đặng Trần Nho Linh, Giám đốc thị trường Việt Nam của INOI, cho biết.
Theo ông Linh, để thu hút người dùng, các hãng điện thoại hiện tập trung vào smartphone giá rẻ đáp ứng tốt các yêu cầu như hỗ trợ mạng 4G, kết nối NFC để hỗ trợ xác thực sinh trắc học với ứng dụng ngân hàng, pin lớn cho thời gian sử dụng dài. Những model có bộ nhớ trong lớn, từ 128 GB cũng được tập trung đẩy mạnh khi người dùng thường có nhu cầu lưu trữ cao.
Song song với smartphone giá rẻ, phân khúc điện thoại cơ bản nhưng có sóng 4G cũng đạt doanh số tốt nhờ ưu điểm nhỏ gọn, dễ sử dụng, phù hợp người lớn tuổi hoặc các bậc phụ huynh chưa muốn con sử dụng smartphone sớm. Các nhà mạng lớn như Vinaphone, Viettel, Mobifone đều có chương trình đổi máy 2G, thậm chí tặng điện thoại 4G mới khi đăng ký các gói cước sử dụng tương ứng.
Theo thống kê đến tháng 9/2023 của Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động, trong đó còn 22 triệu dùng thiết bị chỉ kết nối 2G, chiếm 18,33%. Tới tháng 6, số người dùng điện thoại 2G vẫn còn khoảng gần 11 triệu. Ngoài nhóm người lớn tuổi và học sinh, nhiều người cũng sử dụng điện thoại 2G cho sim phụ.
Hạn cuối được công bố để các nhà mạng tại Việt Nam dừng hỗ trợ hoàn toàn điện thoại 2G là ngày 16/9. Sau mốc này, sóng 2G vẫn sẽ được duy trì đến 2025, chủ yếu để hỗ trợ các thiết bị 4G khi cần thiết.
Theo VN Express.