Hơn 5 năm kể từ ngày đi làm Ánh Kim thừa nhận chưa từng về nhà đúng giờ vì bận làm thêm để tăng thu nhập.
Một ngày của nữ nhân viên văn phòng 27 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội bắt đầu từ 8h đến 21-22h. Nhiều lần tăng ca đến nửa đêm, cô và vài đồng nghiệp phải ngủ lại công ty.
Công việc khiến Kim luôn bật điện thoại để sẵn sàng nhận việc. Bù lại, cô có thu nhập 20 triệu đồng một tháng, chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội thăng tiến. “Mỗi ngày tôi chỉ được ngủ 4-5 tiếng, nếu có thời gian thì tranh thủ ngủ chứ sức đâu mà đi xem mắt hay nhắn tin tán tỉnh ai đó”, Kim nói.
Thấy con gái bận rộn, bố mẹ khuyên nên tìm công việc khác, lương thấp hơn nhưng có thời gian cho chồng con khi lập gia đình. Cô từ chối và cho rằng trong xã hội hiện đại việc kiếm nhiều tiền, có sự nghiệp thăng tiến mới là thứ cần ưu tiên, chuyện yêu đương, kết hôn chỉ là thứ yếu bởi “tốn thời gian, lắm phiền phức”.
Hôm 6/8 GS. TS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn để có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình, khiến bố mẹ Ánh Kim mừng thầm.
Trái ngược với mong muốn của phụ huynh, Kim nói nếu đề xuất giảm giờ làm được thông qua sẽ dành thời gian rảnh để nghỉ ngơi hoặc tự kinh doanh bởi biết giảm giờ làm ắt giảm lương.
“Tôi muốn tranh thủ tuổi trẻ để trải nghiệm, lăn xả và hưởng thụ để không phải hối tiếc khi về già. Ai cũng sẽ lập gia đình, chỉ là sớm hay muộn thôi”, Kim nói.
Khánh Hoàng, 30 tuổi, cũng không muốn hy sinh thời gian rảnh cho chuyện yêu đương, tìm bạn đời. Chàng trai làm IT ở quận 3, TP HCM cho rằng sống tại nơi mà giá thuê nhà tăng, phí sinh hoạt leo thang nhưng lương giảm, kiếm tiền là tất yếu, kiếm bạn gái là điều xa xỉ.
“Không phải tôi lười yêu, ngại kết hôn mà chỉ đơn giản là tài chính hiện tại không thể chi trả thêm khoản ‘tình phí’, chưa nói đến kết hôn”, Hoàng nói. Anh cho biết sẽ trì hoãn kết hôn đến khi tự mua được nhà, đủ tiền lo cho con đi học và đảm bảo mức sống tối thiểu cho cả gia đình.
Đây cũng chính là lý do khiến nhiều năm nay Hoàng vẫn làm hai công việc cùng lúc, thu nhập mỗi tháng 30 triệu đồng.
Ánh Kim và Khánh Hoàng thuộc nhóm 13% trong số hơn 110.000 độc giả nói đề xuất giảm giờ làm để tìm bạn đời là “không thực tế” trong khảo sát của VnExpress ngày 7/8.
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho biết sự trì hoãn yêu đương và kết hôn của một bộ phận người trẻ có thể hiểu được.
Lý do dễ nhận thấy nhất là muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do, nỗi lo cơm áo gạo tiền khi kinh tế vẫn còn bấp bênh, thu nhập giảm hoặc chưa thể mua nhà để ổn định cuộc sống. Thạc sĩ Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết các nghiên cứu ghi nhận ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp.
Theo chuyên gia, đề xuất của ông Nguyễn Thiện Nhân là phù hợp trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm, độ tuổi kết hôn của người Việt tăng. Đặc biệt, giảm giờ làm giúp người lao động đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thống kê của Cục An toàn lao động năm 2019 cho thấy Việt Nam là quốc gia có số giờ làm việc thuộc nhóm cao ở Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất. Lao động Việt Nam làm nhiều hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ và hơn Singapore 176 giờ, mỗi năm.
Đồng tình rằng các biện pháp khuyến khích tăng dân số là cần thiết nhưng PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc giảm giờ làm, tăng giờ nghỉ cho người lao động khó có thể đáp ứng được bởi kinh tế chưa phát triển.
“Rút ngắn giờ làm có thể là một trong những biện pháp để thúc đẩy tỷ lệ kết hôn, sinh con nhưng cần phải triển khai đồng bộ, tổng thể các yếu tố khác bao gồm cả phát triển kinh tế toàn diện, thiết lập chế độ thai sản, xây dựng hệ thống giáo dục, y tế dành riêng cho người lao động”, bà An nói.
Như với Ánh Kim, cô nói sẵn sàng tìm đối tượng kết hôn nếu một trong hai đã có nhà riêng, thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có cơ hội thăng tiến và không bị cấp trên chiếm dụng thời gian nghỉ ngơi để làm việc. Còn nếu thiếu một trong những yếu tố trên, cô buộc phải tạm gác việc lập gia đình bởi không muốn gia đình lục đục do kinh tế bấp bênh, con cái sống trong cảnh thiếu thốn.
“Điều quan trọng là nhu cầu sống cơ bản không được đảm bảo thì sao tôi dám nghĩ đến hạnh phúc cá nhân”, Kim nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An cũng e ngại đề xuất giảm giờ làm có thể phát sinh tác dụng phụ khi một số người muốn tận dụng thời gian này để “cày cuốc”, mong tích lũy kinh tế.
“Nếu không có giải pháp hài hòa trong việc giảm giờ làm nhưng vẫn đảm bảo thu nhập sẽ khó có thể giải quyết được những nỗi lo của người trẻ”, ông An nói. Thực tế ở nhiều quốc gia đang có tình trạng Overemployed – chỉ những người làm hai công việc toàn thời gian nhưng công ty không hề hay biết.
Theo PGS. TS Đỗ Minh Cương, viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên nhân chính là do lương không đủ chi tiêu khiến người lao động phải làm nhiều công việc cùng lúc. Theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam tháng 8/2023, mức chi tiêu trung bình của lao động khoảng 11,7 triệu đồng, trong khi thu nhập đạt 7,88 triệu đồng mỗi tháng. “Chỉ 24,5% lao động khảo sát cho biết thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau. Nhiều người phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập ngoài công việc trong nhà máy”, báo cáo cho biết.
Như với Khánh Hoàng, nếu phải giảm giờ làm từ công việc chính anh sẽ tăng số công việc bán thời gian lên bốn nhằm cải thiện thu nhập. Chàng trai 30 tuổi khẳng định chỉ lấy vợ khi sự nghiệp vững, kinh tế ổn định chứ không phải tận dụng thời gian rảnh rỗi để tìm bạn đời.
“Yêu và lập gia đình sớm có thể khiến bố mẹ vui lòng, tránh cảnh cha già con cọc, nhưng tôi không thể chịu đựng cảnh sống trong cảnh chi tiêu tằn tiện, chắt bóp từng đồng bởi kinh tế yếu”, Hoàng nói.
Theo VN Express.