Dù chịu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, song nhiều công ty đóng tàu lớn tại Trung Quốc vẫn đứng vững và tăng trưởng kỷ lục. Vậy nhờ đâu năng lực đóng tàu của Trung Quốc lại có được điều này?
Tăng trưởng kỷ lục
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Nhiều công ty công nghệ cao và quân sự bị đưa vào danh sách đen, chuỗi cung ứng vật liệu, công nghệ và thiết bị hàng hải của Trung Quốc đối mặt với thách thức đáng kể. Từ đây, ngành hàng hải trong đó có ngành đóng tàu của Trung Quốc chịu ảnh hưởng mạnh.
Nhưng theo một nghiên cứu do Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tiến hành mới đây cho thấy tác động hoàn toàn bất ngờ từ các lệnh trừng phạt. Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học do Giáo sư Liu Cungen (Khoa Kiến trúc Hải quân, Đại dương và Kỹ thuật Xây dựng tại Đại học Giao thông Thượng Hải) chủ trì.
Để thực hiện nghiên cứu, nhóm của ông Liu đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận và điều tra với các nhà lãnh đạo trong ngành để lập bản đồ về các phân khúc chính trong ngành đóng tàu Trung Quốc như nguyên liệu thô, thiết kế nghiên cứu và phát triển, khâu lắp ráp cuối cùng, cơ sở vật chất, vận hành và bảo trì…
Từ đó, họ khẳng định, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc vẫn trụ vững trước sự tấn công dữ dội của các lệnh trừng phạt của Mỹ. Không chỉ vậy, mức tăng trưởng đã đạt kỷ lục trong năm 2023, với số lượng tàu hoàn thành tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022, lên 42,32 triệu tấn trọng tải, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội đóng tàu quốc gia Trung Quốc, lượng đơn đặt hàng mới đã tăng 56%, trong đó có nhiều đơn đặt hàng dành cho các loại tàu hiện đại, chẳng hạn như tàu Ro-Ro (là cụm từ viết tắt trong tiếng Anh: Roll-on/Roll-off, chỉ loại tàu được thiết kế để chở những loại hàng hóa có bánh xe như ô tô, rơ-moóc, toa xe lửa…), chiếm 83% đơn đặt hàng mới trên toàn cầu.
Trong một bài bình luận khoa học được đăng trên Tạp chí học thuật Phát triển và Quản lý Hàng hải của Trung Quốc, giới nghiên cứu cũng nhận định các nhà máy đóng tàu có thể tiếp cận tất cả các lĩnh vực, trừ một số lĩnh vực cần thiết bị chuyên dụng, nhưng số này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
Họ thẳng thắn chỉ ra, xét về độ tinh xảo, phức tạp, một số sản phẩm của Trung Quốc vẫn còn khoảng cách so với các đối thủ phương Tây, nhưng trình độ công nghệ và tiềm năng thị trường của Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, giá cả rất hấp dẫn với khách hàng.
Trung Quốc có tốc độ đóng tàu nhanh hơn Mỹ hơn 200 lần và Hải quân Mỹ từng cảnh báo nếu khoảng cách vẫn tồn tại hoặc ngày càng mở rộng, các hạm đội phương Tây sẽ khó duy trì sự thống trị trên các đại dương toàn cầu.
Gần như tất cả các thiết bị cần thiết cho quá trình lắp ráp và chế tạo tàu đều có sẵn ở khu vực Đồng bằng sông Dương Tử, do đó chi phí hậu cần và lưu kho được giảm tới mức thấp. Đây là lợi thế mà các nhà máy đóng tàu của các quốc gia khác không có.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Để tự vệ và đối phó với các lệnh trừng phạt, giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc cần nhìn thẳng vào tình hình hiện tại để biết mình đang ở đâu, xây dựng hướng đi tiếp theo vì các lệnh trừng phạt có thể leo thang trong tương lai.
Còn các nhà nghiên cứu từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng, chỉ có hai loại tàu hiện phải đối mặt với rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tương đối cao là tàu chở khí hóa lỏng (LNG) cỡ lớn và tàu du lịch hạng sang.
Nhu cầu về tàu vận chuyển LNG tăng mạnh kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, vì châu Âu trước đây phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga. Giờ đây, họ cần nhập khẩu nhiên liệu từ Mỹ với giá cao.
Khí LNG cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp và Trung Quốc không thể sản xuất 5 bộ phận chính cho loại tàu này, bao gồm hệ thống bảo trì bể chứa, vật liệu đông lạnh hàng hải, máy bơm và van đông lạnh.
Bên cạnh đó, các nhà máy đóng tàu của nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp nội địa về hệ thống khóa cửa, thiết bị giải trí, thiết bị phục vụ ăn uống và phụ kiện khu vực y tế cho các tàu du lịch hạng sang.
Hơn nữa, ngành đóng tàu Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn hệ thống động cơ được thiết kế đặc biệt để đóng tàu hạng sang.
Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù năng lực đóng tàu của Mỹ gần như không đáng kể so với Trung Quốc – chỉ chiếm 0,2% tổng sản lượng toàn cầu, nhưng Trung Quốc không thể chủ quan bởi Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ, trong khi châu Âu tiếp tục thống trị một số thị trường sản phẩm phụ trợ cao cấp.
Họ khuyến cáo ngành đóng tàu Trung Quốc cần xây dựng các biện pháp đối phó trước khả năng Mỹ có thể đề nghị các đồng minh tham gia các biện pháp trừng phạt tiếp theo. Mặt khác, Bắc Kinh cũng cần “phá vỡ sự độc quyền của quốc tế, đặc biệt là của châu Âu đối với các ngành công nghiệp phụ trợ”.
Theo họ, dù có khả năng sản xuất nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu số lượng lớn thép đặc biệt, thiết bị liên lạc và các linh kiện khác và điều này có thể bị ảnh hưởng bởi việc mở rộng các lệnh trừng phạt.
Trong lịch sử, Trung Quốc luôn dẫn đầu về công nghệ hàng hải và được cho là nước đầu tiên khai thác sức mạnh của tàu biển. Vào thế kỷ 15, nhà thám hiểm Trung Quốc Zheng He có một đội tàu giá trị gồm 300 chiếc, mỗi chiếc dài hơn 100m (328 feet).
Hiện nay, nhiều nhà khoa học và kỹ sư biển Trung Quốc kỳ vọng quốc gia tỷ dân sẽ sớm giành lại vị thế thống trị lịch sử. Hiện hơn 90% sức mạnh đóng tàu của thế giới nằm ở châu Á. Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng đóng tất cả 18 loại tàu chính bao gồm tàu chở LNG, tàu du lịch và đứng đầu toàn cầu về số lượng đặt hàng 14 loại tàu trong số đó.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc, nước này đã nhận được số đơn đặt hàng đóng tàu với tổng tải trọng 140 triệu tấn – tương đương với trọng lượng giãn nước của hơn một nghìn tàu sân bay lớp Ford. Tất cả sẽ được sản xuất trong vòng ba năm tới.
Theo Thế Giới Giao Thông.