HÀ NỘIKhắc phục toàn bộ 8.600 tỷ đồng cho hơn 6.600 nhà đầu tư, cha con ông chủ Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng – Đỗ Hoàng Việt, được 1.420 bị hại có đơn gửi toà án xin giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, bào chữa cho bị can Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh), cho hay đến 15/3, tức 4 ngày trước phiên tòa, 1.420 người đã có đơn xin giảm nhẹ cho cha con ông Đỗ Anh Dũng. Toàn bộ đơn cùng tài liệu liên quan đã được nộp hội đồng xét xử.
TAND Hà Nội thông báo phiên tòa ngày mai (19/3) sẽ triệu tập 6.630 bị hại – “hầu hết không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp”. Một rạp lớn trong sân toà án đã được dựng để phục vụ số lượng lớn người tham dự.
Hôm 29/2 theo thông báo của HĐXX, hàng trăm người đã có mặt tại trụ sở TAND Hà Nội làm thủ tục đăng ký danh sách bị hại cho phiên xét xử sắp tới. Trong số này, bà Hương (64 tuổi, trú Hà Nội) cho hay đã có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt cho cha con ông Đỗ Anh Dũng, do nhận thấy họ đã có ý thức khắc phục thiệt hại.
Bà cho hay, đã dùng hơn một tỷ đồng tiền tiết kiệm tuổi già để đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh hồi cuối năm 2021. Bà từng tham gia một số “gói đầu tư” nhỏ của các công ty đa cấp nhưng sau này biết đều là lừa đảo nên rất sợ. Do đó, bà quyết tâm chỉ “làm ăn với công ty lớn, có thương hiệu rõ ràng, đáng tin cậy”. Mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh, theo bà là một lựa chọn như thế.
Cáo trạng của VKSND Tối cao cũng xác định, người dân chọn mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh dựa vào 4 niềm tin: tin tưởng các gói trái phiếu được phát hành đúng quy định pháp luật; tin tưởng công ty có dòng tiền đầu tư thật vào các dự án; tin tưởng báo cáo tài chính là trung thực; và tin tưởng Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có thương hiệu.
Nhưng theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, 4 niềm tin này được Tân Hoàng Minh xây dựng bằng những hành vi trái pháp luật.
15 bị can đứng sau vụ lừa đảo 8.600 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh
Cha con chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng 9 cán bộ dưới quyền và 4 lãnh đạo công ty kiểm toán bị cáo buộc liên quan việc tập đoàn này phát hành hơn 90 triệu trái phiếu khống, thu gần 14.000 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính không trung thực
VKS cho rằng những khó khăn tài chính của tập đoàn này đã bộc lộ từ đầu năm 2021. Đến tháng 6/2021, do vay nợ lớn, các dự án chưa thể triển khai và thêm ảnh hưởng của Covid-19, dư nợ tín dụng lên hơn 18.500 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng chỉ đạo con trai, Đỗ Hoàng Việt, cũng là phó giám đốc phụ trách tài chính của tập đoàn, tìm cách huy động vốn.
Lúc này ngoài Tân Hoàng Minh, ông Dũng còn có 45 công ty khác do ông thành lập nhưng không đứng tên mà để người quen sở hữu. Về pháp lý, 45 công ty kinh doanh, hạch toán độc lập nhưng đều chịu chi phối của ông Dũng, VKS cáo buộc.
Ba trong các công ty này được Việt sử dụng cho kế hoạch huy động vốn cho Tân Hoàng Minh trong giai đoạn khó khăn, gồm: Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông.
Kế hoạch gồm ba bước: dùng ba công ty trên phát hành trái phiếu; làm hợp đồng giả cách bán lại cho Tân Hoàng Minh. Cuối cùng, tập đoàn này sẽ bán cho các “nhà đầu tư không chuyên”.
Lý do Tân Hoàng Minh không thể tự phát hành trái phiếu được lý giải tại Nghị định 153/2020. Theo đó, để được phép phát hành trái phiếu, điều kiện đầu tiên: Doanh nghiệp phải thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu.
Tân Hoàng Minh không đáp ứng được điều kiện này.
Nhưng Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông cũng bộc lộ một bất cập khác: kết quả hoạt động kinh doanh của cả 3 công ty đều không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, cáo trạng nêu. (Ngôi Sao Việt cũng chính là doanh nghiệp trúng đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm ngày 10/12/2022 với giá 2,43 tỷ đồng một m2 – lập đỉnh tại thị trường Việt Nam, nhưng bỏ cọc sau một tháng).
Để đủ điều kiện phát hành trái phiếu, Việt bị cáo buộc đã giao kế toán trưởng Phùng Thế Tính chỉnh sửa báo cáo cáo tài chính của 3 công ty này “theo hướng không đúng thực tế”. Ông Tính từ đó tiếp tục chỉ đạo cấp dưới chỉnh sửa các chỉ tiêu tài chính, các khoản nợ, ghi nhận lãi khống, cáo trạng nêu.
Cũng theo Nghị định 153/2020, điều kiện còn lại mà doanh nghiệp phải đáp ứng là “các báo cáo tài chính này, phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện” và hơn nữa, phải được tổ chức kiểm toán này “nhất trí toàn phần”.
Hoá giải việc này, theo cáo buộc của VKS, Việt tiếp tục chỉ đạo ông Tính và Hoàng Quyết Chiến (Phó giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán) tìm hai công ty kiểm toán: CPA Hà Nội và Nam Việt.
Ông Tính và Chiến “thỏa thuận” với 4 lãnh đạo của hai công ty CPA Hà Nội và Nam Việt để phát hành Báo cáo kiểm toán với ý kiến “chấp nhận toàn phần” Báo cáo tài chính do Tân Hoàng Minh chỉnh sửa trước đó mà không cần kiểm tra, cáo trạng nêu.
Hành vi của 4 lãnh đạo công ty kiểm toán bị Đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đánh giá “vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam”. VKS xác định việc này là tiền đề để 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông dù không đủ điều kiện vẫn phát hành được trái phiếu.
Dự án không có thật
Ngay từ đầu, để thu hút được nhiều người mua trái phiếu, Tân Hoàng Minh đã chủ trương lựa chọn loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Điều này có nghĩa, trái phiếu mà người dân mua sẽ không đi kèm với quyền chuyển đổi thành cổ phần hay quyền được mua cổ phần của doanh nghiệp.
VKS nêu, Tân Hoàng Minh cũng lựa trái phiếu loại có tài sản đảm bảo “để người mua tin rằng mục đích phát hành trái phiếu là để đầu tư vào dự án có thật”.
Do đây là loại trái phiếu doanh nghiệp sẽ dùng tài sản là bất động sản, máy móc thiết bị, cổ phiếu… để đảm bảo cho việc phát hành; trong trường hợp mất khả năng thanh toán có thể phát mãi các tài sản này để thu hồi tiền.
Từ tháng 7/2021 đến 3/2022, Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa đông đã phát hành tổng cộng hơn 90 triệu trái phiếu, mệnh giá từ 100.000 đồng đến 100 triệu đồng mỗi trái phiếu. Theo công bố, mục đích phát hành là đầu tư mua cổ phần của 4 công ty khác và để xây dựng khu du lịch phức hợp tại Phú Quốc.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, hơn 90 triệu trái phiếu “đều được tạo lập bằng hồ sơ khống, hành vi gian dối”, “không có việc sử dụng trái phiếu để đầu tư mua cổ phần, hay xây dựng khu du lịch”. Các công ty ký kết hợp tác đầu tư “đều thuộc Tân Hoàng Minh”.
“Các bị can đã ngụy tạo các hợp đồng đầu tư ‘khống’ giữa nội bộ các công ty, cá nhân trong tập đoàn, tạo giá trị ‘ảo’ cho trái phiếu, “, cáo trạng nêu.
Để Tân Hoàng Minh được sở hữu hợp pháp hơn 90 triệu trái phiếu này, Chủ tịch Dũng chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng giả cách, mua lại từ 3 công ty trên.
VKS cáo buộc, tài khoản của Tân Hoàng Minh khi này chỉ có 40-200 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị hơn 90 triệu trái phiếu lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Song vì thực tế, 3 công ty đều thuộc “hệ sinh thái” Tân Hoàng Minh, nên con trai ông lên phương án “quay vòng” dòng tiền của 3 công ty, chuyển qua lại ít nhất 4 vòng qua tài khoản của các cá nhân thuộc tập đoàn. Từ đây, Tân Hoàng Minh đã “gom” đủ hơn 10.000 tỷ đồng, trả tiền mua 90 triệu trái phiếu.
Điều này đồng nghĩa, 3 công ty trên đã tự bỏ tiền mua trái phiếu của chính mình, nhưng quyền sở hữu cuối cùng thuộc về Tân Hoàng Minh.
Ông Dũng bị VKS cáo buộc “chia nhỏ kỳ hạn, mua đi bán lại nhiều lần”, khiến số trái phiếu ban đầu hơn 10.000 tỷ đồng đã mang về cho Tân Hoàng Minh tới 14.000 tỷ đồng, sau khi bán hết cho các “nhà đầu tư không chuyên”.
Hơn 90 triệu trái phiếu có kỳ hạn 2-5 năm, bị chia nhỏ đến tuần, tháng để bán và dùng tiền từ chính việc bán trái phiếu để chi trả (dùng tiền người sau trả người trước), hơn 5.000 tỷ đồng. Gần 2.000 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng; chi mục đích cá nhân của ông Dũng hơn 800 tỷ đồng… là “không đúng mục đích, phương án phát hành trái phiếu”, cáo trạng nêu.
Do đó, số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt là dư nợ gốc đến thời điểm cha con ông Dũng bị bắt và vụ án được khởi tố, tổng 8.643 tỷ đồng.
Toàn bộ hậu quả vụ án đã được Tân Hoàng Minh và các cá nhân liên quan khắc phục trong giai đoạn điều tra, VKS nêu.
Phiên tòa xét xử ông Dũng, Việt và 13 người về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự, sẽ bắt đầu từ 19/3, dự kiến kéo dài 20 ngày.
Theo VN Express.