ĐỒNG NAI – Khi khai thác giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách vào năm 2026, sân bay Long Thành cần gần 14.000 lao động từ phổ thông đến trên đại học.
Thông tin được ông Võ Tấn Đức, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nêu tại hội nghị Đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay Long Thành, sáng 13/3, với sự tham dự của lãnh đạo Cục hàng không, Tổng Công ty hàng không Việt Nam (ACV) và 25 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay.
Sân bay Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 xây đường cất hạ cánh, nhà ga cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến về đích năm 2026.
Theo ông Đức, trong tổng nhu cầu 14.000 lao động, có hơn 5.000 người trình độ đại học và trên đại học, 2.000 lao động phổ thông, còn lại là lao động sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Nguồn lao động chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất kinh doanh dịch vụ, vận hành bay…
Đại diện ACV cho rằng khi sân bay Long Thành vận hành, các chuyến bay trên 1.000 km đa số sẽ ở Long Thành nên việc đào tạo nguồn lực cần tập trung ngành nghề bảo dưỡng, chăm sóc, sữa chữa máy bay. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến lao động chất lượng cao như: công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, sinh trắc học, tự động hóa xử lý hành khách, hành lý, điện…
Trong khi đó, đại diện Cục hàng không Việt Nam lưu ý địa phương và các nhà trường ngoài lực lượng lao động sản xuất, phải có nhân sự quản lý cơ quan nhà nước, viên chức vận hành sân bay.
Tại hội nghị, PGS TS Trần Hoài An, Chủ tịch Học viện hàng không Việt Nam, cho biết từ năm 2020 đơn vị đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu lao động cho sân bay Long Thành. Hiện, mỗi năm, học viện đào tạo khoảng 200 kỹ sư ra trường, hàng trăm kỹ sư khai thác ngành nghề kinh tế hàng không.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết khi sân bay Long Thành vận hành chắc chắn sẽ thu hút nhân lực, nhưng nếu việc đào tạo được chuẩn bị tốt sẽ đảm bảo chất lượng và kịp thời. Do đó, địa phương này đã quy hoạch 1.000 ha để mời gọi các cơ sở đào tạo chất lượng cao.
Theo ông Lĩnh, quá trình đào tạo nhân lực sân bay cần ưu tiên cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án có việc làm. “Vận hành sân bay mà thanh niên ở địa phương không được dạy nghề để vào làm việc thì khó chấp nhận được”, ông Lĩnh nói và đề nghị các cơ sở giáo dục phối hợp ACV thông tin rõ ngành nghề sân bay cần tuyển để hướng nghiệp cho con em địa phương.
Theo VN Express.