Bị gia đình giục cưới, tuyên bố Tết phải có bạn trai thì mới được về nhà, Minh Thư quyết định chi vài triệu đồng thuê một chàng trai đóng giả người yêu về ra mắt.
Cô gái 30 tuổi quê Nam Định cho biết hơn 5 năm nay “không yêu đương gì”. Là quản lý một chuỗi cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội, một ngày Thư chỉ có vài tiếng để ngủ, thời gian để tìm hiểu, hẹn hò quá xa xỉ với cô.
Bố mẹ Thư đã ngoài 60 tuổi, ngày nào cũng gọi giục cô lập gia đình vì mong có cháu bế, nhiều lần còn giả bệnh để gây áp lực cho con gái. Mồng 3 Tết 2024, Thư thuê một chàng trai hơn cô 5 tuổi về ra mắt gia đình.
“Ngày đến nhà tôi, anh ấy cùng mẹ tôi phụ bếp, rửa bát, nói chuyện với họ hàng. Lâu lắm rồi tôi mới thấy bố mẹ vui, tự hào đến vậy, còn chạy đi khoe khắp xóm”, Thư nói.
Để bố mẹ không nghi ngờ, trước đó cô và chàng trai được thuê dành một tuần để gặp mặt tâm sự, chia sẻ về gia cảnh, tạo cảm xúc chân thực, diễn cho tròn vai. Cô còn yêu cầu đối phương ngày ra mắt phải mua quà cáp để biếu bố mẹ, họ hàng, biết nấu nướng và uống rượu tốt. Mọi chi phí cô sẽ trả.
“Công việc chính của anh ấy là kỹ sư xây dựng nên tôi lấy lý do bạn trai bận rộn không về thăm nhà thường xuyên được để bố mẹ đỡ nghi ngờ”, Thư cho biết.
Sau hợp đồng ra mắt, nửa năm nay, tuần một lần cô thuê đối tác gọi điện hỏi thăm sức khỏe gia đình, khi bị giục cưới sẽ viện các lý do để trì hoãn.
Không chỉ Minh Thư, hiện nay nhiều cô gái độc thân, kết hôn muộn hoặc không muốn kết hôn cũng tìm tới dịch vụ thuê người yêu để giải tỏa áp lực gia đình.
Trên các nền tảng mạng xã hội hiện có hàng chục hội nhóm thuê người yêu thu hút vài chục nghìn đến vài trăm nghìn thành viên tham gia. Quản lý một diễn đàn về cho thuê bạn trai, bạn gái với hơn 20.000 thành viên cho biết mô hình này có từ hơn chục năm trước nhưng bất ngờ phổ biến hơn một năm trở lại đây, đa số là nam giới tìm thuê bạn gái.
“Nhưng vài tháng gần đây, số nữ giới tìm thuê bạn trai hẹn hò, ra mắt gia đình tăng đột biến”, quản lý này cho biết.
Hơn một năm làm nghề đóng giả bạn trai, Huy Tuấn, 25 tuổi, ở Hà Nội cho biết khách hàng tìm tới anh chủ yếu là các cô gái hơn anh vài tuổi và đã độc thân trên ba năm. Họ thường yêu cầu đi cà phê, chụp ảnh đang hẹn hò để gửi về cho gia đình, thậm chí khoe bạn bè. Một số thuê đi du lịch cùng hay về ra mắt gia đình.
“Tôi phải đi tập gym, học hát, nấu ăn, học chụp ảnh, học cách nói chuyện tinh tế để đạt tiêu chí của nhiều cô gái. Mỗi tháng tôi chỉ nhận 3-4 khách để đảm bảo chất lượng”, Tuấn nói. Giá dịch vụ đi cà phê, hẹn hò thường vài trăm nghìn đồng cho một ca 2-3 tiếng, ra mắt gia đình một triệu đồng một buổi, nếu ở xa thì gấp đôi tiền công.
33 tuổi chưa từng yêu ai, Khánh Ngọc vừa tức tốc thuê một chàng trai kém cô 4 tuổi, ngoại hình ưa nhìn để về gặp bố mẹ mình. Cô gái ở Hà Nội nói hơn một năm nay, cô phải thuê trọ ở riêng, hạn chế về nhà để tránh họ hàng đàm tiếu, bố mẹ thúc giục. Tuy nhiên, mỗi lần cô về thăm bố mẹ, không khí căng thẳng bao trùm. Bố mẹ còn không hỏi han, nói chuyện với cô.
“Lần đầu ra mắt bạn trai, bố mẹ tôi chuẩn bị mâm cơm tươm tất, anh ấy cũng hài hước, biết tạo không khí vui vẻ và thật thà nên bố mẹ tôi rất hài lòng”, Ngọc nói. Từ ngày có bạn trai giả, tình cảm gia đình cô lại đi lên.
Dù vậy cô đã đặt mục tiêu “thà độc thân mà giàu có còn hơn lấy chồng sớm nhưng không có gì trong tay”. “Giờ chỉ có kiếm đối tác hợp thì cưới rồi cùng nhau chăm sóc gia đình hai bên cho tròn nghĩa vụ”, Ngọc chia sẻ.
Nói về việc phái nữ thuê bạn trai ra mắt, chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình Lê Thị Minh Hoa của Viện Tâm lý Sunnycare (TP HCM) cho biết hiện nay nhiều người trẻ, đặc biệt phái nữ có xu hướng kết hôn muộn vì muốn tập trung sự nghiệp, tự chủ kinh tế trước khi lập gia đình. Một số lo sợ nếu cưới sớm hay kết hôn khi kinh tế chưa vững dễ gặp mâu thuẫn trong hôn nhân, không đảm bảo được chất lượng cuộc sống cũng như cho con cái có môi trường sống tốt nhất.
Kết quả Điều tra dân số cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình người Việt tăng liên tục trong những thập kỷ qua. Năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người ở thành thị là 29,8 tuổi. Có kế hoạch kết hôn muộn, không lựa chọn được đối tác phù hợp được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người Việt độc thân gia tăng từ 6,2% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019.
Theo chuyên gia, việc thuê đối tác ra mắt gia đình có thể giải quyết vấn đề trước mắt, giúp bố mẹ yên tâm hơn và bản thân họ được tập trung cho các mục tiêu cá nhân. Tuy nhiên bà Hoa cũng đưa ra cảnh báo phái nữ nên cẩn thận khi sử dụng dịch vụ, tránh trường hợp bị lợi dụng hình ảnh bôi nhọ, tống tiền. Theo bà, có thể tìm đến các công ty dịch vụ uy tín, có hợp đồng với những điều khoản như không nảy sinh tình cảm, nghiêm cấm có hành vi quấy rối tình dục và một số điều khác để đảm bảo an toàn.
TS Nguyễn Thanh Nga, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cũng đưa ra quan điểm, không chỉ nữ mà hiện tại phái nam cũng đặt nặng việc phải có sự nghiệp ổn định mới tự tin hẹn hò, lập gia đình. Việc thuê đối tác hẹn hò, ra mắt gia đình có thể giúp họ có cơ hội kết bạn, tìm hiểu nhau, có trải nghiệm cảm xúc yêu đương, tránh bố mẹ thúc giục đặc biệt với các bạn thuộc cộng đồng LGBT mà chưa dám công khai giới tính thật.
Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tạm thời, nếu bị phát hiện, gia đình sẽ tổn thương nghiêm trọng, có thể dẫn tới mâu thuẫn, mất niềm tin thậm chí sẽ bị mai mối, ép con cưới. Chuyên gia nói những người con nên tìm cơ hội để bày tỏ quan điểm sống, nói cho bố mẹ hiểu thay vì lừa dối, tránh né.
“Việc thuê người đóng giả người yêu cũng nhiều rủi ro, hiện tại ở Việt Nam chưa có pháp luật bảo vệ về việc này nên cần cẩn trọng”, bà Nga nói.
Về phía gia đình, bản thân người làm cha mẹ thường coi việc thúc giục con cái kết hôn là trọng trách, nghĩa vụ, mong muốn khi về già. Việc đó tạo áp lực cho con cái. “Khi con ở độ tuổi trưởng thành nên để con tự tìm kiếm, lựa chọn bạn đời, thời điểm kết hôn vì suy cho cùng con hạnh phúc bố mẹ mới an lòng”, bà Nga nói.
Sau lần thuê đối tác hẹn hò, gửi ảnh, gọi điện video khoe bố mẹ, Thu Thùy nói mệt mỏi khi phải nói dối suốt thời gian dài. Ngày nào cũng bị bố mẹ hỏi han về bạn trai giả, nghĩ ra lý do để tránh né khiến cô gái 26 tuổi ở TP HCM luôn sống trong cảm giác lo sợ.
“Tôi thấy ân hận vì đã lừa dối bố mẹ, tôi chưa hình dung nếu họ phát hiện sẽ tổn thương thế nào, tôi sẽ cố gắng giảm việc để đạt chỉ tiêu có người yêu trong năm nay”, nữ nhân viên một công ty thiết kế nội thất cho biết.
Còn với Phương Mai, 27 tuổi, ở Hà Nội, cô nói từ chối việc hẹn hò qua mạng hay thuê bạn trai đóng giả. Mai chỉ cảm thấy an toàn khi tiếp xúc với người quen biết hoặc qua lời giới thiệu của bạn bè.
“Tôi cũng bày tỏ quan điểm với bố mẹ rằng muốn tự lập kinh tế, tự do tận hưởng cuộc sống, dành nhiều thời gian cho gia đình đến khi sẵn sàng tiến tới hôn nhân”, Mai cho biết sau nhiều lần thuyết phục, gia đình cô cũng chấp nhận và để cô tự quyết định cuộc đời mình.
Theo VN Express.