Tranh cãi chuyện ‘phải trật tự’ tại quán cà phê

Hai tiếng ngồi cà phê cùng bạn, Thu Trang bị vài người xung quanh nhắc nói nhỏ, yêu cầu hai đứa trẻ đi cùng cô hạn chế chạy nhảy, để họ tập trung làm việc.

Lần đầu, người phụ nữ 35 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội vui vẻ đồng ý. Nhưng khi một trong 5 vị khách đang làm việc tại quán nói bóng gió việc “bố mẹ không biết dạy con để chạy nhảy trong quán gây ồn ào”, chị lập tức nổi cáu, đứng lên cãi nhau.

“Bạn cần làm việc nhưng tôi cần giải trí”, Trang nói và khẳng định không có quy định ra quán cà phê phải giữ yên lặng để người khác làm việc.

Nhóm bốn bạn trẻ (bên tay phải) chọn vị trí ngồi tách biệt với nơi nhiều người đang làm việc, để dễ nói chuyện, tại một quán cà phê ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, chiều 12/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nhóm bốn bạn trẻ (bên tay phải) chọn vị trí ngồi tách biệt với nơi nhiều người đang làm việc, để dễ nói chuyện, tại một quán cà phê ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, chiều 12/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Hoàng Lan, 28 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội thường cùng bạn bè tìm đến các quán cà phê được thiết kế cầu kỳ để tâm sự. Nhưng khoảng hai năm gần đây, khi ngày càng nhiều người chọn quán cà phê để học hay làm việc cô gần như bỏ thói quen này.

Lan cho biết, đến đó nói chuyện thì thầm không thoải mái, còn nhỡ có nói to một chút lập tức bị một số người lườm nguýt, tỏ rõ thái độ khó chịu, ngầm cảnh báo nhóm Lan đang gây mất trật tự.

“Họ đang tự cho mình quyền được yêu cầu mọi người phải làm theo mong muốn cá nhân, quá phi lý và bất tiện”, Lan nói.

Không chỉ Trang và Lan, các bài viết, video phàn nàn về việc từng bị yêu cầu phải giữ yên lặng ở quán cà phê được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận. Dưới mỗi bài đăng, nhiều người bày tỏ sự bức xúc, đồng thời chia sẻ trải nghiệm tương tự.

“Các quán cà phê dành riêng để làm việc thì họ không đến. Nhưng cứ vào quán đông người rồi bắt khách im lặng để tập trung làm việc”, người dùng mạng tên Mai Loan bình luận.

Khảo sát của VnExpress ghi nhận hầu hết các quán cà phê ở trung tâm Hà Nội và TP HCM đều có đông khách đến làm việc, chủ yếu từ giữa buổi sáng cho đến cuối giờ chiều. Khách đa phần là học sinh, sinh viên hoặc người làm việc từ xa.

Nhu cầu đến quán cà phê của người Việt ngày càng tăng. Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2023 công bố hôm 27/3, cho thấy gần 60% người được hỏi sẵn sàng chi từ 41.000 đồng trở lên cho một lần đi cà phê. Khảo sát cho biết 42,6% lựa chọn đi 1-2 lần một tháng, 30,4% đi tần suất 1-2 lần một tuần, tăng gần 8% so với năm 2022, còn 6,1% người được hỏi đi mỗi ngày.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên phó Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết văn hóa ra quán cà phê trò chuyện, giao lưu kết nối trong xã hội có từ lâu, chính cách gọi “quán cà phê” đã thể hiện đây là điểm đến của số đông, có người đến để giao lưu, bàn bạc công việc.

“Do đó, yêu cầu khách đến quán phải giữ yên lặng để một số người tập trung làm việc, học tập là phi lý, không phù hợp với thực tế và hạn chế sự tự do của những khách hàng khác”, ông Đức nói.

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, cũng nhận thấy ngày càng nhiều người thích ra quán cà phê làm việc. Theo ông, yêu cầu muốn có không gian yên tĩnh để làm việc của một bộ phận người không sai nhưng chưa đúng. Việc nhắc nhở chỉ phù hợp nếu địa điểm này có quy định khách nói chuyện nhỏ nhẹ, tránh ảnh hưởng đến xung quanh.

Giải thích về lý do nhiều người thích đến quán cà phê làm việc, ông Cương cho rằng điều này tương ứng với xu hướng thích làm việc từ xa, đặc biệt là giới trẻ thích sự tự do thoải mái, linh động. Nhiều người muốn làm việc trong không gian bài trí đẹp mắt, ăn mặc thoải mái và tự do nói chuyện thay vì lên cơ quan hay làm việc tại nhà rất tù túng, thiếu tập trung. Và cuối là một bộ phận nhỏ đua đòi, a dua thấy bạn bè ra quán cà phê nên học theo.

Một nhóm bạn trẻ đến một quán cà phê ở quận Đống Đa làm việc, đầu năm 2024. Ảnh: CF Thư Báo

Một nhóm bạn trẻ đến một quán cà phê ở quận Đống Đa làm việc, đầu năm 2024. Ảnh: CF Thư Báo

Mỗi tuần 5 lần, Thành An, 25 tuổi, làm nghề thiết kế website, banner tự do ở quận Gò Vấp, TP HCM đều ra quán cà phê làm việc bởi tập trung hơn. Thay vì chọn quán co-working (mô hình vừa cung cấp dịch vụ ăn uống, vừa có không gian làm việc riêng), chàng trai đến nơi bán đồ uống bình dân bởi không bị tính tiền chỗ ngồi theo giờ. Điểm trừ duy nhất của quán theo An đánh giá là đông người và ồn ào.

Trước tranh cãi “đến quán làm việc không được yêu cầu người xung quanh phải giữ yên lặng”, An cho rằng mọi người đều có thể nói chuyện nhưng cần giữ âm lượng nên đủ nghe. “Còn nếu họ cười nói quá lớn, cho trẻ nhỏ chạy nhảy khắp nơi, sẽ khiến mọi người khó chịu”, An nói.

Thừa nhận mỗi người đều có lý lẽ riêng nhưng PGS.TS Đỗ Minh cảnh báo nếu mẫu thuẫn không được giải quyết triệt để dễ phát sinh các tình huống khó chịu, bức xúc từ cả hai phía. Thậm chí, chủ quán và nhân viên gặp sẽ khó khi phải đứng ra giải quyết.

Thu Hà, 20 tuổi, nhân viên một quán cà phê tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết hơn 50% khách đến quán đều làm việc, trung bình mỗi khách ngồi 2-3 tiếng.

Theo nữ nhân viên, mục đích khi mở quán là tạo không gian cho mọi người giao lưu, chia sẻ và nghe nhạc xưa, nhưng không ít lần cô được yêu cầu phải giảm âm lượng nhạc, nhắc các bàn xung quanh nói nhỏ để khách hàng tập trung làm việc. Hà cho biết có thể tắt nhạc nhưng không thể nhắc mọi người giữ im lặng vì nội quy của quán không quy định, mong khách thông cảm.

Còn với Thu Trang, nhiều lần bị nhắc đang gây ồn ào khiến chị có ác cảm với người đến quán cà phê làm việc. Người phụ nữ 35 tuổi khẳng định sẽ nói lý lẽ nếu ai có yêu cầu chị giữ yên lặng lại bởi bản thân đã mất tiền mua nước và chỗ ngồi, không nhất thiết phải nhẫn nhịn.

Ngại va chạm, Hoàng Lan dự định tìm đến các quán cà phê xa trường học, khu dân cư, chấp nhận đi xa để tự do nói chuyện, tránh làm phiền đến người xung quanh.

“Còn nếu ở trong nội đô, có khi tôi phải ra quán trà đá vỉa hè hoặc công viên mới dám nói cười thoải mái”, cô gái 28 tuổi nói.

Nhiều bạn trẻ chọn đến một quán cà phê trên đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy làm nơi học tập, làm việc nhiều giờ đồng hồ, tháng 6/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nhiều bạn trẻ chọn đến một quán cà phê trên đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy làm nơi học tập, làm việc nhiều giờ đồng hồ, tháng 6/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Để tránh những tình huống khó xử, tạo mâu thuẫn không đáng có, PGS.TS Lê Quý Đức khuyên những người muốn ra ngoài làm việc nên tìm địa điểm yên tĩnh như quán cà phê sách, cà phê workspace… để tăng khả năng tập trung, tránh bị làm phiền.

Bên cạnh đó, các quán cà phê cũng cần xác định rõ nhóm đối tượng phục vụ chính để đưa ra quy định phù hợp. Trong trường hợp muốn hòa hợp cả khách đến làm việc và giải trí, quán có thể tạo các không gian tách bạch, phù hợp với từng yêu cầu.

“Nhưng suy cho cùng, nếu đã chọn làm việc ở nơi công cộng thì cũng phải chấp nhận môi trường chung. Mọi người xung quanh đồng ý nói bé, đó là hành động lịch thiệp, còn không bạn buộc phải chịu bởi việc họ đến trò chuyện, tâm sự tại quán cà phê không sai”, chuyên gia nói.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *