Ung thư giai đoạn cuối có nên nỗ lực điều trị ‘còn nước còn tát’?

HÀ NỘINgười đàn ông 65 tuổi, mắc ung thư giai đoạn cuối, tiên lượng sống dè dặt, song gia đình vẫn xin bác sĩ cho truyền hóa chất, với tâm lý “còn nước còn tát”.

Bệnh nhân mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, thiếu máu do dinh dưỡng kém và hệ quả của hóa chất. Nhìn người bệnh gầy gò, cơ thể suy kiệt, bác sĩ Lê Văn Thành, Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, khuyên gia đình nên tạm dừng phác đồ hiện tại để nâng cao thể trạng trước, bao gồm truyền máu, truyền dịch, dinh dưỡng.

“Tình trạng tốt hơn thì có thể cân nhắc điều trị tiếp hóa chất hoặc miễn dịch”, bác sĩ động viên. Tuy nhiên, gia đình từ chối vì sợ “không hóa trị ngay thì tế bào ác tính lan nhanh, chết sớm”. Họ cho rằng khi nào bệnh nhân yếu, không đủ sức điều trị nữa thì mới dừng lại.

“Đó là lựa chọn của bệnh nhân và người nhà”, ông Thành nói. Trên cương vị bác sĩ điều trị, ông đã phân tích cho gia đình việc hóa trị đến tận cuối đời có mang lại lợi ích, khiến bệnh nhân sống lâu và hạnh phúc hơn không, hay đổi lại là những tháng ngày bị đau đớn dày vò, kiệt quệ.

Tương tự, người phụ nữ 45 tuổi, mắc ung thư bạch cầu cấp, từng được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc, tưởng đã khỏi bệnh cách đây 5 năm. Tuy nhiên, từ tháng 3 năm ngoái, chị phải nhập viện do các tế bào ác tính quay lại, phải hóa trị nhiều lần. Hiện, bệnh nhân phải nằm viện vì nhiễm trùng, một tình trạng tồi tệ có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào, nhưng người bệnh xin bác sĩ tiếp tục hóa trị với niềm lạc quan “nhất định bệnh sẽ khỏi”.

Ở giai đoạn cuối, bác sĩ tư vấn bệnh nhân chăm sóc giảm nhẹ để xoa dịu nỗi đau thay vì điều trị hóa chất nặng nề. Ảnh: Theo Pexels

Ở giai đoạn cuối, bác sĩ tư vấn bệnh nhân chăm sóc giảm nhẹ để xoa dịu nỗi đau thay vì điều trị hóa chất nặng nề. Ảnh: Theo Pexels

Nhiều nghiên cứu trên toàn cầu chỉ ra rằng các bệnh nhân ung thư di căn sẵn sàng tiếp nhận mọi phương pháp điều trị, trong đó có những liệu pháp độc hại, chỉ mang lại lợi ích tối thiểu. Điều này xuất phát từ tâm lý lạc quan, hay còn gọi “còn nước còn tát”, nỗ lực hết mình để có thể khỏi bệnh. Thực tế, y học ngày càng tiến bộ với các phương pháp điều trị đột phá. Công nghệ y tế tập trung vào việc “thách thức cái chết” bằng bất cứ giá nào, từ đó gieo vào bệnh nhân, người nhà cũng như bác sĩ những hy vọng rằng họ có thể được cứu chữa dù bệnh nặng đến đâu.

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra, điều trị hóa chất khiến cuộc sống của bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trở nên tồi tệ hơn do phải chịu các tác dụng phụ là cơ thể suy nhược, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc… Đơn cử, công trình đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) nghiên cứu hơn 300 bệnh nhân có khối u ác tính di căn và ở giai đoạn cuối của bệnh (tiên lượng chỉ còn sống khoảng 4 tháng). Dựa vào các tiêu chí đánh giá về thể chất, tinh thần những tuần cuối đời của bệnh nhân, các chuyên gia kết luận hóa trị không giúp nâng cao chất lượng sống của các bệnh nhân, khuyến cáo các bác sĩ cân nhắc với nhóm này.

Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (Mỹ) cũng xác định việc hóa trị trong những tuần cuối đời của người bệnh ung thư là không cần thiết, không khuyến khích các bệnh viện thực hiện điều này.

Thăm dò

2.716 biểu quyết

Trong tình huống tương tự, bạn sẽ chọn phương án nào?
 Xem kết quả

Thời gian từ: 12/4

Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số người ung thư giai đoạn cuối mong muốn được truyền hóa chất. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng tâm lý “còn nước còn tát” vẫn được nhiều người bệnh và gia đình theo đuổi, điển hình là xin được hóa trị với kỳ vọng “tiêu diệt tế bào ác tính, ngăn chặn di căn, kéo dài sự sống”.

Dù vậy, nguyên tắc đạo đức và nghề nghiệp buộc bác sĩ đưa ra chỉ định dựa trên tình trạng sức khỏe người bệnh. Trường hợp nặng, bác sĩ giải quyết vấn đề tâm lý, chữa triệu chứng, tư vấn chăm sóc giảm nhẹ để nâng chất lượng sống cho người bệnh. Việc chăm sóc này gồm hai phần là điều trị giảm đau và chăm sóc tinh thần.

Khi được chăm sóc giảm nhẹ đúng cách, người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải tỏa tâm lý tiêu cực, sống ý nghĩa trong những năm tháng cuối đời.

Bác sĩ khuyên gia đình và người nhà nên đồng hành cùng chuyên gia y tế trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Gia đình nên trao đổi với người bệnh để chính họ đưa ra lựa chọn, không tự quyết định thay bệnh nhân.

“Thay vì cưỡng ép điều trị trong đau đớn, gia đình có thể chọn chăm sóc giảm nhẹ, giúp bệnh nhân không phải sống ám ảnh cho đến lúc lìa đời”, bác sĩ Thành nói.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *