Xây 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc Nam

Các ban quản lý dự án mời thầu 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, dự kiến ký hợp đồng với nhà đầu tư tháng 6 và hoàn thành giữa năm sau.

Cao tốc Bắc Nam từ TP HCM đến Nha Trang sẽ được nối thông sau khi tuyến Cam Lâm – Vĩnh Hảo (qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) thông xe dịp 30/4 tới. Tuy nhiên, trên hành trình khoảng 380 km mới có một điểm dừng chân ở đoạn TP HCM – Long Thành, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đoạn còn lại 327 km từ Đồng Nai qua Bình Thuận, Ninh Thuận đến Nha Trang chưa có trạm dừng nghỉ.

Tương tự, tuyến Diễn Châu – Bãi Vọt (qua Nghệ An, Hà Tĩnh) dài 50 km đi vào khai thác sẽ nối thông cao tốc Bắc Nam đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh. Song trên cả tuyến 206 km cũng chưa có các trạm dừng nghỉ.

Ông Lê Văn Minh, giám đốc một công ty vận tải logistic ở Hà Nội cho biết tài xế đường dài cần nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh và kiểm tra kỹ thuật phương tiện sau 4 giờ chạy xe. Do vậy, các tuyến cao tốc 200-300 km thiếu trạm dừng nghỉ, cây xăng không chỉ bất tiện mà còn khiến lái xe mất an toàn vì mệt mỏi, ngủ gật.

Để phục vụ nhu cầu của người dân lưu thông trên tuyến, ông Lương Văn Long, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 (qua Ninh Bình, Thanh Hóa) cho biết đơn vị đã xây dựng nhà vệ sinh tạm hai bên đường tại đoạn qua huyện Đông Hóa, tỉnh Thanh Hóa từ cuối năm 2023. Khu vực có diện tích khoảng 7.000 m2, có thể đỗ 10 xe tải hoặc 20 xe con.

“Trong khi chưa có trạm dừng nghỉ quy mô lớn, các điểm vệ sinh tạm là cần thiết, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của lái xe và hành khách, nhất là ban đêm”, ông Long nói.

Hướng tuyến cao tốc Bắc Nam từ TP HCM đến Nha Trang. Đồ họa:Đăng Hiếu

Hướng tuyến cao tốc Bắc Nam từ TP HCM đến Nha Trang. Đồ họa: Đăng Hiếu

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, do hạn chế nguồn vốn đầu tư, nên các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) được phân kỳ đầu tư với 4 làn xe hạn chế. Hạng mục trạm dừng nghỉ được tách ra làm dự án riêng để đầu tư theo hình thức xã hội hóa thay vì sử dụng vốn ngân sách.

Ngoài ra, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ người dân đối với một số đoạn mới hoàn thành đưa vào khai thác.

Về giải pháp, Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh tiến độ đấu thầu 8 trạm dừng nghỉ trên các đoạn cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết (2 trạm) và Phan Thiết – Dầu Giây. Dự kiến đến tháng 6, các ban quản lý dự án sẽ ký hợp đồng với nhà đầu tư, việc triển khai trạm dừng nghỉ khoảng 9-12 tháng và hoàn thành giữa năm 2025.

Mỗi trạm dừng nghỉ sẽ có các dịch vụ công được cung cấp miễn phí như bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh, ăn uống, trạm xăng, sạc điện, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện…

Trước mắt, tại một số vị trí đã được quy hoạch, các đơn vị quản lý đường xem xét xây dựng nhà vệ sinh tạm. Ngoài ra, tại một số đường nhánh gần cao tốc đã có các điểm dừng nghỉ, đơn vị quản lý sẽ hướng dẫn lái xe đi ra nút giao để sử dụng dịch vụ.

Tại cuộc họp ngày 1/4, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn theo trình tự rút gọn, thời gian lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ ngắn nhất. Trước mắt, các ban quản lý dự án nghiên cứu làm một số điểm vệ sinh tạm tại vị trí đã được quy hoạch trạm để phục vụ người dân.

Điểm vệ sinh tạm tại huyện Đông Hóa, Thanh Hóa, trên cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh:Anh Duy

Điểm vệ sinh tạm tại huyện Đông Hóa, Thanh Hóa, trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45. Ảnh: Anh Duy

Đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km cao tốc và cần nguồn vốn 813.000 tỷ đồng. Thực tế, giai đoạn 2010-2020 ngân sách mới bố trí 395.000 tỷ đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 thêm khoảng 178.000 tỷ đồng.

Do ngân sách hạn chế, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn xã hội hóa, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 gồm 11 dự án thành phần, đã phân kỳ đầu tư với thiết kế 4 làn xe. Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021-2025) gồm 12 dự án thành phần, cũng được phân kỳ với thiết kế 4 làn xe. Các dự án đều chưa bao gồm trạm dừng nghỉ, hệ thống camera, làn dừng khẩn cấp mà bố trí các điểm dừng khẩn cấp.

Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt hệ thống trạm dừng chân trên toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông gồm 36 trạm. Trong đó, có 6 trạm đã đưa vào khai thác, 3 đang đầu tư và 27 chưa xây dựng.

Ngoài 8 trạm sắp được xây dựng, 19 trạm còn lại phần lớn trên tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các quản lý dự án, chủ đầu tư triển khai các thủ tục, lựa chọn nhà đầu tư để đưa vào khai thác trạm dừng nghỉ đồng bộ với tiến độ hoàn thành dự án thành phần đường cao tốc năm 2025.

Theo VN Express.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *