HÀ NỘITừ hè 2023, chi phí sinh hoạt của gia đình chị Thảo đột ngột tăng 30% vì tiền nhà, điện và nước đồng loạt tăng giá cùng với việc hai con đi học.
Trước đó, họ thuê phòng trọ tại Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm 3 triệu đồng mỗi tháng, tiền nước 30.000 đồng một khối, điện 4.000 đồng một số. Mỗi tháng gia đình tốn khoảng bốn triệu đồng cho chi phí nhà và điện, nước.
Sau đợt điều chỉnh giá, tiền nhà tăng lên 3,5 triệu đồng, nước 35.000 đồng/khối, điện 4.500 đồng/số. Chi phí ăn uống cũng tăng khoảng 15% so với trước chủ yếu do giá tạp hóa, gas tăng.
“Áp lực hơn là con gái đầu vào lớp 1, con trai đến tuổi đi mẫu giáo”, chị Nguyễn Thị Thảo, 35 tuổi. nói. Muốn cho con học trường công để đỡ chi phí, song không có hộ khẩu nên họ tốn thêm một khoản không nhỏ. Lúc này tổng tiền học chính của hai con tăng thêm ba triệu đồng so với trước.
“Trước đây với tổng thu nhập khoảng 18 triệu đồng mỗi tháng nhà tôi vừa đủ chi tiêu, nhưng kể từ khi mọi thứ đều tăng thì tháng nào cũng thiếu trước hụt sau”, Thảo nói.
Câu chuyện nhà chị Thảo phần nào củng cố thêm kết quả của Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy Hà Nội là nơi có giá cả, mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam.
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 5% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó 8/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng như giáo dục tăng 38,33%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,24%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,92%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,38%.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), kể cả so với quốc tế Hà Nội cũng được đánh giá là thành phố có giá cả sinh hoạt cao. “Hai năm nay giá bất động sản tăng phi mã khiến từ mua nhà đến chi phí thuê nhà ở, cửa hàng đều tăng, giá cả theo đó ăn theo”, ông Long nói.
Trong khi đó, Báo cáo lương thưởng – phúc lợi năm 2023 của Talentnet dựa trên khảo sát 638 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy Hà Nội dù là một trọng điểm kinh tế của cả nước, nhưng mức trả lương cơ bản năm lại thấp hơn 12% so với TP.HCM, thậm chí thấp hơn cả các tỉnh thành phía Nam khác đến 10%.
Theo ông Long, một điểm nữa cần lưu ý là sự khác biệt giữa lương danh nghĩa và lương thực tế. Lương danh nghĩa là số tiền người lao động được cơ quan, doanh nghiệp trả hàng tháng. Lương thực tế là sản phẩm bằng hiện vật có thể nhận (mua) được.
“Giá cả tăng nhanh hơn lương là vô nghĩa, cuộc sống người dân sẽ ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm lao động nghèo, người thất nghiệp, những người làm công ăn lương thu nhập giảm sau dịch”, chuyên gia nói.
Thực tế mỗi lần có thông tin tăng lương thì gần như ngay lập tức giá cả thị trường leo thang và số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá. Trớ trêu là không ít gia đình như nhà chị Thảo không nằm trong nhóm được tăng lương.
Từ khi sinh con thứ hai 3 năm trước, chị Thảo nghỉ làm thu ngân siêu thị để ở nhà vừa chăm con vừa bán hàng online bởi “lương chẳng đủ chi phí gửi con trường tư”. Anh Minh, chồng chị làm xây dựng, song biến động ngành sau Covid-19 nên hai năm nay bị giảm nửa lương, việc ít, buộc phải chạy thêm xe ôm. “Cố gắng co kéo nên thu nhập không giảm, nhưng mọi chi phí đều tăng”, người chồng nói.
Chỉ cần giá gas dao động, giá xăng tăng là vợ chồng anh cảm thấy “bị dồn vào chân tường”. Nhất là vì ở trọ, điện, nước tính giá kinh doanh nên cứ mùa hè là chị Thảo chỉ đợi con ngủ say để tắt điều hòa chuyển sang quạt.
Theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn, trong nửa đầu năm 2023 thu nhập trung bình của người lao động đạt 7,88 triệu đồng mỗi tháng trong khi mức chi tiêu là 11,7 triệu đồng, tăng 19% so với năm 2022. Báo cáo của công ty kiểm toán PwC về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023 cũng ghi nhận 62% nói đã buộc phải cắt giảm những khoản chi tiêu chưa cần thiết.
Phỏng vấn của VnExpress với hàng chục gia đình trẻ hầu hết cho biết có hậu thuẫn của bố mẹ mới có thể bám trụ được ở Thủ đô.
Hôm chủ nhật 7/4, ba gia đình các em của Thu Hằng ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và Hoài Đức tụ về nhà cô ở quận Hà Đông để phân chia thực phẩm bố mẹ từ quê gửi ra.
Từ trước đó vài ngày, họ đã nhận điện thoại của bố mẹ hỏi muốn ăn gì, mua gì để ông bà chuẩn bị. Kết quả là một bao gạo 50 kg và hai thùng đồ, bên trong là thịt, cá, trứng, rau củ, cho đến các đặc sản quê như nước mắm, bánh cuốn, nem chua. “Ngay cả đến các loại rau thơm, ớt, chanh cũng mỗi nhà một túi”, chị Hằng, 38 tuổi, quê Thanh Hóa nói.
Hằng cho biết từ khi anh chị em cô lập gia đình, mẹ có dịp ra Hà Nội chăm cháu và cảm nhận rõ chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở thủ đô nên dùng cách này để giảm áp lực cho các con.
“Mẹ tôi sốc khi mua bó mồng tơi 17.000 đồng, móng giò 110.000 đồng một kg, trong khi ở quê 5.000 đồng hai bó mồng tơi, móng giò 30.000 đồng một kg. Một bát phở thành phố thậm chí đắt gấp hơn ba ở chợ quê”, cô chia sẻ.
Mức chênh lệch lớn về giá cả, chi phí giữa các địa phương đôi khi trở thành một trong các lý do của trào lưu bỏ phố về quê. Trên các hội nhóm, nhiều người chia sẻ về chi phí sinh hoạt giảm đáng kể khi rời Hà Nội hoặc TP HCM về các vùng ven biển miền Trung Việt Nam, hay Tây Nguyên.
Một gia đình chuyển từ Hà Nội về Đà Nẵng năm 2023 cho biết họ đã tiết kiệm được hơn một nửa chi phí. Khoản tiết kiệm lớn nhất là chi phí giáo dục đã giảm được tới 70% so với trước, bởi Đà Nẵng miễn học phí, cho con đi học thêm cũng chỉ mất vài chục tới vài trăm nghìn mỗi tháng một môn. Chi phí cho thực phẩm bằng 2/3 trước.
Hay như gia đình anh Tân Nguyễn, 37 tuổi, rời Hà Nội từ cuối 2022 để sống ở Nha Trang đã tiết kiệm được 1/3 chi phí sinh hoạt. “Nếu cho con học trường công hoặc thuê nhà rẻ hơn thì chúng tôi sẽ tiết kiệm được một nửa. Trong khi thực phẩm tươi, rẻ, không khí trong lành nên sức khỏe cả nhà đều cải thiện, đỡ hẳn khoản đi viện”, ông bố ba con chia sẻ.
PGS Ngô Trí Long cho biết mục tiêu quản lý giá của nhà nước luôn là bình ổn giá. Bình ổn không có nghĩa là cứng nhắc, không chịu thay đổi, giữ nguyên giá mà dựa vào các yếu tố môi trường thay đổi, chi phí đầu vào sẽ thay đổi. Do vậy, để đảm bảo tiền lương thực tế của người dân cần đảm bảo điều kiện vật chất, sinh hoạt, trong đó tăng lương chỉ là một nhân tố.
Thứ hai là đưa ra chính sách thuế, tài chính phù hợp. Ví dụ với thuế thu nhập cá nhân cần khuyến khích những người làm việc chăm chỉ, còn cứ vắt kiệt người lao động bằng cách đánh thuế cao, dễ phản tác dụng.
Thứ ba, cũng là một trong những giải pháp thiết thực nhất là làm sao khi tăng lương phải chú ý đến vấn đề kiểm soát giá cả, tránh để lương chưa tăng giá cả đã tăng. Cần có những biện pháp để giá cả ổn định nhưng chất lượng hàng hóa, phục vụ tăng lên.
Cố vấn tài chính cá nhân Lâm Tuấn, thành viên Cộng đồng cố vấn tài chính Việt Nam khuyên việc ghi lại tất cả các chi tiêu hàng ngày và hàng tháng là nên làm để có cái nhìn rõ ràng về tình hình tài chính của gia đình, từ đó ưu tiên chi tiêu theo mức độ cần thiết.
Với gia đình Thu Hằng, nhờ đàn gà, vườn rau của ông bà gửi lên đều đặn tháng hai lần mà chỉ mất thêm khoảng năm triệu đồng mua thực phẩm và tạp hóa mỗi tháng cho bốn thành viên.
“Biết ơn vì sự hỗ trợ của bố mẹ suốt các năm qua nên vợ chồng tôi vẫn xoay xở mua được nhà trả góp và nuôi hai con với đồng lương viên chức ít ỏi”, chị Hằng chia sẻ.
Bám trụ thành phố, mua nhà cũng từng là ước mơ của vợ chồng chị Thảo – anh Minh, nhưng rồi trong vòng quay lo tiền nhà, tiền điện nước, bỉm sữa hàng tháng, ước mơ đó đã tan biến.
Sau nửa năm sống trong cảnh giật gấu vá vai, cuối năm 2023 cặp vợ chồng đi đến quyết định mỗi người mỗi ngả. Chị mang hai con về quê Hải Hậu, Nam Định sống với ông bà nội, còn anh vẫn bám trụ lại thành phố. Chị cho biết cuộc sống chung với bố mẹ chồng không hẳn thoải mái nhưng dễ thở hơn về áp lực tiền bạc.
“Từ lúc vợ con về, tôi trả phòng, sống luôn ở công trường, cố gắng làm thêm vài năm nữa lấy ít vốn về quê xây nhà”, anh Minh nói.
Theo VN Express.